Vì sao Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Bình?
(CLO) Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Bình do các vi phạm trong giai đoạn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bình bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo
Ngày 6/11/2020, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Qua xem xét đề nghị của UBKT Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Ông Bình cũng đã vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm. Đồng thời chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên HĐQT Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.
Cũng theo Bộ Chính trị, ông Bình vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc khi không báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng.
Không báo cáo đầy đủ và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền. Ông Bình cũng đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Bộ Chính trị kết luận, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cá nhân.
Trong quá trình kiểm điểm, ông Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Xét bối cảnh tình hình, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961 tại Phú Thọ, học vị Tiến sĩ khoa học kinh tế (tại Liên bang Nga). Ông về công tác tại Ngân hàng Nhà nước từ tháng 12/1986. Sau 12 năm làm việc tại Vụ Hợp tác Quốc tế và giữ cương vị Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, tháng 11/1998, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội.
Từ tháng 11/2001 đến tháng 6/2005, ông chuyển đến Liên bang Nga làm việc với vai trò Phó Chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB).
Sau khi về nước năm 2005, ông Bình quay lại Ngân hàng Nhà nước với vai trò Chánh thanh tra. Tháng 4/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc. Đến tháng 8/2011, ông được Quốc hội khoá 13 phê chuẩn chức danh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau 3 năm đảm đương vị trí Phó Thống đốc.
Giai đoạn ông Bình làm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ngân hàng Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro. Nợ xấu tăng cao sau giai đoạn khủng hoảng, sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, lạm phát có lúc hai con số, lãi suất cho doanh nghiệp vay vượt xa 20%; tình trạng đôla hóa, vàng hóa...
Đến tháng 4/2016, ông Bình thôi vị trí Thống đốc. Kết thúc nhiệm kỳ (từ tháng 8/2011 đến 4/2016), ông để lại dấu ấn với việc bình ổn thị trường vàng... tuy nhiên, dưới thời ông cũng có không ít quyết định gây tranh cãi, như việc Nhà nước mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng.
Từ 2016 đến nay, ông Nguyễn Văn Bình đảm nhiệm chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
T.Toàn