Vì sao con bò đội nón?
Vì sao con bò đội nón?
Ngoài học chữ, học sinh còn cần được dạy nhiều kỹ năng
khác để thích ứng với xã hội. Ảnh minh họa.
Hôm qua, hàng trăm phụ huynh ở Hà Nội phải chầu chực sẵn cả đêm, thậm chí có người phải ngủ lại để chờ đăng ký cho con vào học lớp 1, trường Tiều học Thực nghiệm Hà Nội.
Công nghệ giáo dục thực nghiệm do Giáo sư Hồ Ngọc Đại nghiên cứu, phát triển từ năm 1978 nhưng đến mùa tuyển sinh vẫn lại diễn ra cảnh tượng chen chúc người đăng ký như thế.
Ở trường học thực nghiệm, học sinh được tự do sáng tạo trong không khí dân chủ, tôn trọng học trò. Bên cạnh việc học chữ và rèn luyện nề nếp, trường học thực nghiệm còn dạy trẻ học các kĩ năng mềm. Giáo dục thực nghiệm bên cạnh chú ý rèn luyện chỉ số thông minh (IQ) còn coi trọng chỉ số thích nghi (EQ) của học sinh, thể hiện qua sự độc lập suy nghĩ, cách tư duy, khả năng giao tiếp của trẻ. Đây là những vấn đề không mới nhưng lại chưa có nhiều cơ sở giáo dục quan tâm.
Đã từng có thời kỳ giáo dục thực nghiệm đã được áp dụng khá rộng rãi, nhưng rồi sau đó vì nhiều lý do, công nghệ giáo dục này bị thu hẹp chỉ còn được áp dụng ở một vài nơi.
Một trong những nguyên nhân khiến công nghệ giáo dục thực nghiệm chưa phát triển là tâm lý chuộng thành tích của ngành giáo dục và của chính cha mẹ các em học sinh.
Nhiều bậc phụ huynh đã đặt sức ép về học tập quá lớn lên đôi vai con trẻ. Ngay từ khi còn đang học mẫu giáo, trẻ đã phải học quá nhiều môn: học vẽ, học nhạc, học chữ... Ở trường về, câu đầu tiên cha mẹ thường hỏi trẻ là “hôm nay con được mấy điểm” thay vì nên hỏi “hôm nay con học được cái gì?”
Dịp hè, đáng lẽ là lúc học sinh được nghỉ ngơi thì lại là dịp chạy đua đối với con trẻ bởi lịch học hè kín mít mà bố mẹ chúng xếp sẵn.
Vì thế không lạ khi nhiều em ở trường học rất giỏi, điểm rất cao nhưng ra đời lại “lơ ngơ như bò đội nón”; nhiều nhà trường đào tạo ra những học sinh thuộc bài như những con vẹt nhưng khả năng sáng tạo lại rất kém.
Đã từng có thời kỳ chúng ta phê phán mạnh mẽ việc dạy học của xã hội phong kiến với lối học kiểu “tầm chương trích cú” xa rời thực tế xã hội; phê phán những kẻ không có thực tài với suy nghĩ học chữ cốt để làm quan. Nhưng với những gì hiện đang diễn ra, rất có thể chúng ta lại đi trên vết xe đổ đó.
Công luận
Theo bạn, có phải hiện nay nhiều bậc phụ huynh học sinh đang gây áp lực quá nặng lên vai các em?
Mời bạn gửi phản hồi cho tòa soạn vào ô thảo luận cuối bài viết (vui lòng điền đầy đủ thông tin và gõ nội dung bằng tiếng Việt có dấu). Trân trọng cảm ơn!