Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Diệp Văn Sơn (ảnh đứng) luôn khẳng định với Hội đồng xét xử là mình bị oan và không thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Trà Vinh. (Ảnh - CK)
Dính “chàm” vì Dự án tôm càng xanh…?
Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng" xảy ra tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Trà Vinh, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh Trà Vinh được xem là một trong những vụ án gây sự chú ý của dư luận địa phương bởi có sự dính “chàm” hàng loạt những gương mặt quan chức vốn là cựu lãnh đạo Sở KH&CN Trà Vinh.
Vụ án đã được TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 03/10/2018 đối với các bị cáo Diệp Văn Sơn (nguyên Giám đốc Sở KH&CN Trà Vinh), Lê Văn Hồng Anh (Phó GĐ Sở KH&CN), Trần Hồng Nguyên (nguyên GĐ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN), Trần Thanh Phục (nguyên Phó GĐ Trung tâm) và Phạm Thanh Hải (nguyên Trưởng Phòng Hành chính-Tổ chức của Trung tâm), tất cả đều bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Riêng các bị cáo Nguyên, Phục và Hải bị truy tố thêm tội danh "Tham ô tài sản và tội lập quỹ trái phép"
Tuy nhiên, tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Diệp Văn Sơn luôn khẳng định với Hội đồng xét xử là mình bị oan và không thừa nhận hành vi phạm tội theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Trà Vinh. Hiện tại, để làm rõ thêm một số các đối tượng có liên quan, TAND tỉnh Trà Vinh đã trả hồ sơ yêu cầu tiếp tục điều tra bổ sung.
Theo cáo trạng của vụ án, năm 2012, UBND tỉnh Trà Vinh có công văn đề nghị Bộ KH&CN xem xét hỗ trợ tỉnh triển khai danh mục các vấn đề, nhiệm vụ KH&CN trong đó có dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẩu sản xuất tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Trà Vinh”. Về vấn đề này, Bộ KH&CN đã có các quyết định phê duyệt danh mục dự án và phê duyệt kinh phí với số tiền 4 tỷ đồng - trong đó nguồn vốn từ Trung ương là 2,66 tỷ còn lại địa phương 1,34 tỷ đồng.
Từ quyết định phê duyệt của Bộ KH&CN, ngày 30/09/2013, Văn phòng (VP) Chương trình nông thôn miền núi (thuộc Bộ KH&CN) đã ký hợp đồng với Sở KH&CN Trà Vinh do ông Diệp Văn Sơn làm Giám đốc (GĐ) và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Trà Vinh - đơn vị chủ trì dự án (thuộc Sở KH&CN) do ông Lê Văn Hồng Anh, Phó GĐ Sở kiêm GĐ Trung tâm để triển khai thực hiện dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẩu sản xuất tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Trà Vinh” trong thời gian 36 tháng.
Khoảng hơn một năm sau, tháng 11/2014, Sở KH&CN có quyết định điều động ông Trần Hồng Nguyên về làm Giám đốc, kiêm Trưởng Ban dự án tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Trà Vinh thay cho ông Lê Văn Hồng Anh.
Trong thời gian giữ chức Giám đốc Trung tâm, ông Trần Hồng Nguyên đã chỉ đạo và cùng với các thuộc cấp của mình là Trần Thanh Phục, Phạm Thanh hải lập bảy hợp đồng không đúng với thực tế để hợp thức hóa thủ tục thanh quyết toán trừ tạm ứng, chi ngoài quy định và chiếm đoạt cá nhân với tổng số tiền trên 491,5 triệu đồng tại dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẩu sản xuất tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Trà Vinh”…
Riêng đối với ông Diệp Văn Sơn, với vai trò là Giám đốc Sở KH&CN, trong quá trình thực hiện dự án, ông Trần Hồng Nguyên đã nhiều lần báo cáo với ông Diệp Văn Sơn về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian thực hiện dự án, nhưng ông Sơn không có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Ông Sơn biết Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện dự án không đúng thuyết minh, không minh bạch về tài chính nhưng không kịp thời báo cáo UBND tỉnh và Bộ KH&CN để xin chủ trương xử lý mà còn ra Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu dự án. Chính vì vậy, theo cáo trạng, ông Diệp Văn Sơn có hành vi cố ý làm trái số tiền hơn 491 triệu đồng với vai trò là đồng phạm.
Ngoài ra, theo cáo trạng, ông Diệp Văn Sơn còn liên quan trực tiếp đến một sự vụ khác. Cụ thể ông Sơn ngoài giữ vai trò Giám đốc Sở, ông còn kiêm chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Trà Vinh, theo đó ngày 17/3/2016 ông Sơn đã cấp giấy chứng nhận đăng ký KH&CN cho ông Sơn Sa Miếch không đúng quy định. Trên cơ sở cấp giấy này, ông Sơn Sa Miếch đã lập thủ tục để vay 400 triệu đồng từ Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Trà Vinh (do ông Lê Văn Hồng Anh, Phó GĐ sở KH&CN kiêm Giám đốc Quỹ). Sau khi vay được tiền, ông Sơn Sa Miếch đã không sử dụng đúng mục đích. Đến ngày 07/01/2017, ông Sơn Sa Miếch bị tai nạn giao thông chết dẫn đến không thu hồi được khoản tiền vay. Từ đây gây thiệt hại số tiền 400 triệu đồng. Theo cáo trạng, ông Diệp Văn Sơn tiếp tục bị quy kết vào tội cố ý làm trái số tiền 400 triệu đồng.
Cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh kêu oan?
Dù cáo trạng đã nêu rất rõ về những sai phạm, thế nhưng theo ông Diệp Văn Sơn, việc các cơ quan tố tụng kết luận ông tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” là thực sự thiếu khách quan, không đánh giá các chứng cứ một cách đầy đủ, công bằng và đúng pháp luật, bỏ lọt hàng loạt các tình tiết, chứng cứ quan trọng khác… Chính vì điều này nên ông quyết định làm đơn kêu oan gửi đến các cơ quan Trung ương và Báo chí để trình bày nỗi oan khuất của mình, đồng thời hy vọng vụ án sẽ được nhìn nhận một cách khách quan, trung thực và đúng bản chất, từ đó trả lại danh dự cho ông – ông Sơn trần tình.
Dù cáo trạng đã nêu rất rõ về sai phạm, thế nhưng ông Diệp Văn Sơn vẫn gửi đơn kêu oan khẳng định rằng các cơ quan tố tụng kết luận ông là không đúng với bản chất và sự thật khách quan? (Ảnh CK)
Trình bày về những điểm bất cập, thiếu xót khi các cơ quan tố tụng cho rằng mình là đồng phạm, giúp sức cho lãnh đạo Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Trà Vinh để cố ý làm trái, chiếm đoạt hơn 491 triệu đồng, ông Sơn lý giải: với vai trò trách nhiệm của người đứng đầu Sở KH&CN, ông đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Cụ thể, đối với dự án “Tiếp nhận và ứng dụng công nghệ vi phẩu sản xuất tôm càng xanh toàn đực tại tỉnh Trà Vinh”, thứ nhất, cá nhân tôi đã ra quyết định cử hẳn một Phó GĐ Sở là người có am hiểu về lĩnh vực thủy sản để phân công theo dõi trực tiếp dự án đó. Thế nhưng, trong suốt thời gian thực hiện dự án tôi lại không được nhận bất cứ văn bản báo cáo nào từ Phó GĐ Sở phục trách, kể cả đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Trung Tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN và đơn vị chuyển giao công nghệ là Viện nuôi trồng thủy sản 2 về việc Dự án đang gặp khó khăn phát sinh cần được tháo gỡ? Mà ngược lại, đơn vị chủ trì còn báo cáo dự án đang thực hiện đúng nội dung, đạt mục tiêu theo thuyết minh đề ra, sử dụng kinh phí đúng quy định và đề nghị Giám đốc Sở cho thực hiện nghiệm thu.
Điều này tôi cũng đã khai và khẳng định với Cơ quan CSĐT, thế nhưng trong kết luận điều tra và cáo trạng lại không đưa vào? Thậm chí chỉ sử dụng lời khai đơn phương khác không đúng sự thật khách quan để làm bằng chứng và đưa vào kết luận điều tra lẫn cáo trạng rằng “ông Trần Hồng Nguyên đã nhiều lần báo cáo với ông Diệp Văn Sơn về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian thực hiện dự án, nhưng ông Sơn không có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn…”. Điều này chứng tỏ sự nhận định mang tính áp đặt, quy chụp vô căn cứ, không đúng thực tế khách quan.
Thứ hai, khi tiến hành điều tra để có kết luận về những sai phạm thì lạ lùng là bà Phó GĐ Sở Thạch Thị Sophắc - người được phân công theo dõi trực tiếp dự án đó không thấy đề cập trách nhiệm hay đưa vào diện người có liên quan để điều tra làm rõ, mà ngược lại người bị quy trách nhiệm lại là tôi? Vậy đây có phải là bỏ lọt người, lọt tội và chứng cứ khách quan hay không?
Thứ ba, theo ông Sơn, điều bất cập còn thể hiện rõ ở chỗ Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Trà Vinh là một pháp nhân độc lập hoàn toàn bởi nó có con dấu riêng, tài khoản riêng nên Sở KH&CN Trà Vinh không có trách nhiệm quản lý kinh phí thực hiện dự án! Đặc biệt, dự án này do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý thông qua cơ quan giúp việc là VP chương trình Nông thôn miền núi còn cơ quan chủ trì dự án lại chính là Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Trà Vinh.
Mặt khác, pháp luật đã quy định rất rõ việc quản lý kinh phí là trách nhiệm của Bộ KH&CN, đồng thời kinh phí thực hiện dự án do VP chương trình Nông thôn miền núi chuyển trực tiếp vào tài khoản của Trung tâm chứ không thông qua Sở KH&CN. Kể cả diễn biến tình hình sử dụng kinh phí và quyết toán dự án phía Trung tâm cũng tiến hành báo cáo trực tiếp với VP chương trình Nông thôn miền núi.
Vì vậy, Sở KH&CN nói chung hay bản thân tôi nói riêng hoàn toàn không quản lý, kiểm soát về vấn đề kinh phí nên tôi không thể nào biết cũng như buộc phải biết về việc không minh bạch tài chính của Trung tâm, trong đó có việc lãnh đạo Trung tâm lập 7 hợp đồng khống không đúng với thực tế để hợp thức hóa thủ tục thanh, quyết toán trừ tạm ứng, chi ngoài quy định và chiếm đoạt cá nhân, gây thiệt hại hơn 491 triệu đồng như cáo trạng đã nêu.
Riêng về việc cho rằng tôi lập hội đồng nghiệm thu là hành vi đồng phạm giúp cho các bị cáo Nguyên, Phục và Hải chiếm đoạt hơn 491 triệu đồng thì lại càng vô lý.
Tôi xin nói rõ là việc tiến hành nghiệm thu dự án là căn cứ vào Biên bản xác minh tình hình sử dụng kinh phí của VP chương trình Nông thôn miền núi và Biên bản chuyển giao công nghệ của Viện nuôi trồng thủy sản 2, tất cả đều thể hiện thành công, báo cáo tài chính, báo cáo tổng hợp… đều đầy đủ nên đúng theo quy định là buộc phải nghiệm thu!
Ngoài ra, về bản chất của quyết định nghiệm thu này không hề làm thiệt hại cũng như không tạo điều kiện cho người khác gây thiệt số tiền hơn 491 triệu đồng. Đồng thời cũng không liên quan đến Khoản 5 Điều 12 Thông tư 07/2011/TT- BKHCN của Bộ KH&CN như cáo trạng đã nêu. Bởi Thông tư này Quy định về việc “Hướng dẫn quản lý chương trình hỗ trợ ứng dụng và chyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển”, nên không hề liên quan đến việc tôi ký quyểt định thành lập Hội đồng nghiệm thu. Vì vậy cáo trạng nhận định là có sự nhẩm lẫn nguy hiểm của 02 Văn bản pháp luật nêu trên. Đặc biệt, theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 02/2013/TT-BKHCN của Bộ KH&CN ngày 22/01/2013 thì nhiệm vụ trách nhiệm của GĐ Sở là khi dự án thực hiện xong, phải ra quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh.
Đồng thời việc thành lập hội đồng nghiệm thu là cũng đúng theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2013/TT-BKHCN, nhằm “thẩm định và xác nhận kết quả đạt được so với nội dung hợp đồng dự án sau khi kết thúc hợp đồng”, nếu không thành lập hội đồng thì làm sao đánh giá được dự án thực hiện đúng hay sai. Vì chỉ có tập thể hội đồng các nhà khoa học mới đánh giá được việc thực hiện dự án có đúng thuyết minh hay không, đạt giá trị khoa học, giá trị thực tiển và giá trị học thuật đến mức độ nào. Kết quả cả hai hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh và nhà nước đều thừa nhận và đánh giá dự án đạt kết quả tốt (tức dự án thực hiện thành công).
Mặt khác, tại thời điểm tôi ra Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu (tháng 7/2016) thì các hợp đồng khống đã được ký trước đó, số tiền hơn 491 triệu đồng cũng đã bị các đối tượng chiếm đoạt từ 01 năm trước (năm 2015). Vì vậy, việc cho rằng tôi lập hội đồng nghiệm thu là hành vi đồng phạm giúp các bị cáo Nguyên, Phục và Hải chiếm đoạt hơn 491 triệu đồng là hoàn toàn vô lý và không đúng theo quy định pháp luật. "Các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội tôi mà không chứng minh được tôi vi phạm quy định nào của pháp luật, không chứng minh được hành vi của tôi gây thiệt hại số tiền hơn 491 triệu đồng mà vẫn buộc tội tôi là quá vô lý và oan sai cho tôi " ông Sơn khẳng định.
Chính Kỳ