Vì sao Mỹ từ chối viện trợ tên lửa tầm xa ATACMS và bom GLSDB cho Ukraine?

27/07/2023 17:07

(CLO) Theo Guardian, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa một lần nữa từ chối gửi tên lửa tầm xa ATACMS và bom thông minh GLSDB cho Ukraine, bất chấp lời thỉnh cầu khẩn thiết từ Kiev. Vậy vì sao Mỹ nói không và vì sao Ukraine lại muốn có hai thứ vũ khí này?

Cái lắc đầu của Washington về vũ khí tầm xa

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang kiên quyết bác bỏ đề xuất gửi tên lửa tầm xa ATACMS và bom thông minh GLSDB tới Ukraine, bất chấp lời thỉnh cầu từ Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky và những tiếng nói vận động tại Quốc hội Mỹ.

vi sao my tu choi vien tro ten lua tam xa atacms va bom glsdb cho ukraine hinh 1

Tên lửa tầm xa ATACMS, với tầm bắn 300 km, có thể giúp Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ảnh: Washington Post

Suốt nhiều tháng qua, Ukraine đã liên tiếp gửi đi thông điệp muốn có Hệ thống tên lửa tấn công chiến thuật (ATACMS) và bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), với lập luận rằng những thứ vũ khí tầm xa này, cùng với máy bay chiến đấu F-16, nếu được cung cấp sẽ giúp họ giành lại cán cân trên chiến trường với Nga.

Dư luận Mỹ cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc chuyển giao ATACMS và GLSDB cho Kiev. Đầu tháng này, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden cung cấp ATACMS cho Ukraine, qua đó gây áp lực lên Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Các quan chức châu Âu cũng đã gây sức ép riêng với Washington về việc chuyển giao các hệ thống tấn công tầm xa cho Kiev. Họ đã hy vọng rằng giống như việc Mỹ đảo ngược hướng đi đối với các loại vũ khí khác - bao gồm xe tăng Abrams và bệ phóng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS - thì nước này cũng sẽ làm như vậy đối với tên lửa ATACMS.

Phát biểu với báo Wall Street Journal tuần trước, một số quan chức quân đội Mỹ thậm chí cho biết, vấn đề đang chờ phê duyệt ở cấp cao nhất và các cuộc thảo luận có thể tiếp tục trong khi Mỹ đánh giá tình hình thực địa ở Ukraine. Ngày 14/7, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Andrii Yermak cũng khẳng định Mỹ "rất gần" với việc đưa ra quyết định về việc có cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine hay không.

Nhưng câu trả lời cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn là “Không”. Sẽ không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ về vấn đề này và đã không có cuộc thảo luận thực chất nào về việc cung cấp ATACMS trong nhiều tháng qua, báo Washington Post cho biết.

Cơ sở cho việc chính quyền Joe Biden từ chối gửi tên lửa là quy mô hạn chế của kho dự trữ của Mỹ và lo ngại rằng xung đột có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát nếu Ukraine sử dụng những vũ khí tấn công tầm xa tiên tiến này tấn công vào lãnh thổ Nga.

Dù Anh và Pháp, đã cung cấp các tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP, có tầm bắn 240 km, cho Ukraine sau khi sau khi được Kiev đảm bảo rằng sẽ không nhằm vào lãnh thổ Nga, Mỹ vẫn kiên quyết với lập trường của mình.

Báo Kyiv Independent, trong một bài viết bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Mỹ, cũng giải thích rằng ngay từ tháng 7/2022, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan đã tuyên bố rằng Washington do dự trong việc cung cấp ATACMS vì lo ngại rằng một động thái như vậy có thể leo thang thành Thế chiến III.

Vì sao ATACMS và GLSDB lại được Ukraine khao khát?

Hãy bắt đầu với GLSDB. Hệ thống này bao gồm một tên lửa mà từ đó một quả bom lượn có cánh bật ra sẽ tách ra ở độ cao nhất định. Theo SAAB, nhà thầu quốc phòng Thụy Điển đã hợp tác cùng với tập đoàn Boeing của Mỹ sản xuất loại vũ khí này, đầu đạn phân mảnh nặng 113 kg của GLSDB có thể “đánh trúng mục tiêu có diện tích bằng một chiếc lốp ô tô” ở khoảng cách 150 km.

GLSDB có thể được bắn từ các bệ phóng di động như HIMARS, hệ thống pháo phản lực của Mỹ mà Ukraine đã nhận được vào năm ngoái. Tên lửa Ukraine hiện đang bắn từ các bệ phóng này có tầm bắn tối đa 84 km, chỉ bằng một nửa so với GLSDB.

Ngoài phạm vi tiếp cận lớn hơn, GLSDB còn có ngòi nổ có thể lập trình với các tùy chọn bao gồm vụ nổ trên không (có nghĩa là nó sẽ phát nổ trong không trung để tiêu diệt nhiều bộ binh hơn chẳng hạn) và kích nổ chậm (chẳng hạn như sẽ xảy ra sau xuyên qua kết cấu bê tông).

vi sao my tu choi vien tro ten lua tam xa atacms va bom glsdb cho ukraine hinh 2

Bom thông minh GLSDB có thể “đánh trúng mục tiêu bằng một chiếc lốp ô tô” ở khoảng cách 150 km. Ảnh: Defense Express

GLSDB có thể cơ động trong chuyến bay, vì vậy chúng có thể tấn công các mục tiêu ở các khu vực khác nhau mà không cần định vị lại bệ phóng. SAAB tuyên bố rằng loại vũ khí này có thể hạ gục các mục tiêu khuất sau sườn đồi nhờ hệ thống dẫn đường GPS được hỗ trợ bởi điều hướng quán tính tích hợp, có khả năng kháng nhiễu cực tốt. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đang gây ra nhiều vấn đề với sự dẫn đường của một số vũ khí Ukraine.

ATACMS cũng được phóng từ bệ phóng tên lửa di động. Vũ khí này cũ hơn GLSDB khi lần đầu tiên được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Dù cũng sử dụng GPS và điều hướng quán tính, ATACMS không hoàn toàn chính xác như GLSDB. Nhưng đầu đạn phân mảnh nặng 227 kg của nó nặng gấp đôi, nghĩa là tên lửa này có thể gây sát thương nhiều hơn. Và nó có thể đạt tầm bắn 300 km, gấp đôi so với GLSDB .

ATACMS có thể sẽ giúp ích nhiều hơn cho Ukraine so với GLSDB vì nước này đang rất cần vũ khí có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa. Một số máy bay chiến đấu có phi hành đoàn của Ukraine rất dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không của Nga, khiến cho những cuộc đột kích sâu trở nên rất rủi ro.

Các lực lượng Nga cũng đã di chuyển nhiều bãi chứa đạn dược của họ ra xa mặt trận hơn sau những tổn thất ban đầu, khiến Ukraine không thể tiếp cận bằng những loại vũ khí hiện có.

Đó là lý do tại sao Kiev không ngừng vận động để Washington chuyển giao chúng. Nhưng với những diễn biến mới nhất, có lẽ Ukraine sẽ còn phải chờ rất lâu, hoặc cũng có thể không bao giờ có được.

Nguyễn Khánh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao Mỹ từ chối viện trợ tên lửa tầm xa ATACMS và bom GLSDB cho Ukraine?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO