Vì sao thu hút đầu tư FDI của Thái Nguyên luôn nằm trong top đầu?

25/08/2024 14:07

Chỉ tính riêng đâu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã cấp mới 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 478,7 triệu USD, cùng 5 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn bổ sung đạt 19,3 triệu USD. Nhờ kết quả này, Thái Nguyên xếp thứ 10 trên 63 tỉnh, thành phố cả nước về thu hút vốn FDI.

Sức hút đầu tư nước ngoài ở Thái Nguyên

vi sao thu hut dau tu fdi cua thai nguyen luon nam trong top dau hinh 1

Công nhân trong nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên. Ảnh: TN

Năm 2024, trong điều kiện nền kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, nhưng với những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, đô thị cùng với những chính sách thông thoáng và triển khai chuyển đổi số, cải cách hành chính mạnh mẽ đã giúp Thái Nguyên liên tục là một trong những địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư nhất cả nước, đặc biệt là đầu tư FDI.

Đơn cử, năm 2013, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình I với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD, sau một năm tăng vốn thêm 3 tỷ USD. Tháng 2/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với số vốn tăng thêm 920 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình để mở rộng dự án, tăng năng lực sản xuất.

Sự đầu tư của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng, các nhà cung ứng cấp 1 không chỉ lấp đầy khu công nghiệp này mà còn đầu tư tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Cụ thể, năm 2021, Thái Nguyên đã thu hút hơn 920 triệu USD vốn FDI, từ vị trí 45/63 lên xếp thứ 11 cả nước, trong đó có các dự án lớn từ các tập đoàn điện tử hàng đầu như Samsung. Năm 2022, tổng vốn FDI đạt hơn 1,3 tỷ USD, đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2021 khi lọt top 4 các tỉnh/thành dẫn đầu thu hút FDI cả nước.

Năm 2023, Thái Nguyên thu hút thêm khoảng 900 triệu USD vốn FDI. Đến năm 2024, Thái Nguyên tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 20 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 511,7 triệu USD, 17 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 78,65 triệu USD. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 217 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 10,819 tỷ USD.

Các dự án FDI đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, giúp Thái Nguyên liên tục trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

Thực tế đã có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đang hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, rất yên tâm và đang đẩy mạnh, mở rộng nghiên cứu đầu tư vào Thái Nguyên. Điển hình là các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Sunny, Trinar Solar, Núi Pháo Massan…

Chính sự có mặt của các công ty tập đoàn danh tiếng này đã tác động không nhỏ đến uy tín, tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên của các nhà đầu tư, qua đó đưa Thái Nguyên trở thành mắt xích quan trọng không thể thiếu trong chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.

Nguyên nhân thành công trong thu hút FDI của Thái Nguyên

vi sao thu hut dau tu fdi cua thai nguyen luon nam trong top dau hinh 2

Dòng vốn FDI khổng lồ giúp Thái Nguyên bứt phá. Ảnh: TN

Có thể thấy, bên cạnh việc áp dụng tối đa cơ chế, chính sách mới về thu hút FDI, tỉnh Thái Nguyên sẽ chú trọng công khai, minh bạch về các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên và lắng nghe, tiếp thu các vướng mắc doanh nghiệp gặp phải để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện theo quy định cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng để tiếp tục thu hút làn sóng đầu tư FDI đến với Thái Nguyên trong thời gian tới. Điều này góp phần quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Trên cơ sở phân tích bối cảnh thực tiễn và dự đoán hướng phát triển trong giai đoạn tới, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về thu hút đầu tư, bên cạnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh tích cực, lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, định kỳ tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động. Đặc biệt việc chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường tiềm năng sẽ được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.

Kết quả trên cũng là minh chứng cho quan điểm nói đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, với việc thực hiện đúng nội dung những cam kết cụ thể, mạnh mẽ, nhất quán.

Cụ thể như: Ủng hộ tuyệt đối các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên trong áp dụng các chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ Việt Nam, có cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh Thái Nguyên đối với các dự án được ưu tiên.

Đồng thời, duy trì đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là việc cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư…

Cùng với đó, lãnh đạo Thái Nguyên cũng luôn chủ động tìm đến các nhà đầu tư FDI thông qua các chuyến công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế của đoàn Thái Nguyên tại các nền kinh tế lớn của thế giới như: Cuba, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh, Hà Lan… qua đó đã tạo niềm tin, sự hiểu biết cho các doanh nghiệp FDI yên tâm khi đến với Thái Nguyên từ chính cam kết của các nhà lãnh đạo đứng đầu tỉnh.

Không những thế, Thái Nguyên còn có nhiều giải pháp tích cực cụ thể khác trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Thái Nguyên còn chủ động ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2024, với quan điểm tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Phát triển khu vực phía Nam của tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông, dịch vụ; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa xúc tiến đầu tư, sử dụng các nguồn lực ngoài ngân sách; tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vì sao thu hút đầu tư FDI của Thái Nguyên luôn nằm trong top đầu?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO