Vì sao thực phẩm “bẩn” dễ dàng lọt vào các trường học?

Thứ tư, 20/03/2019 21:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Vụ việc nhiễm sán lợn tại trường mầm non Thanh Khương – Bắc Ninh khiến rất nhiều bậc phụ huynh đặt ra câu hỏi, vì sao thực phẩm "bẩn" lại có thể dễ dàng tuồn vào trong trường học?

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh trường Mầm non Không Gian Tuổi Thơ, Hoàn Kiếm(Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh trường Mầm non Không Gian Tuổi Thơ, Hoàn Kiếm(Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng

Không chỉ là nguy cơ

Gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm trở thành mối lo ngại của nhiều phụ huynh khi sự việc thịt lợn chứa đầy ấu trùng sán xuất hiện trong bếp ăn Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị phát giác khiến nhiều người lo lắng, ồ ạt đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn. Đến hiện tại, có 209 ca dương tính với sán lợn.

Điều đáng nói sự việc nêu trên chỉ là một trong hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại các trường học trong những năm qua. Tất cả các vụ ngộ độc nêu trên đều có điểm chung đó là sự chủ quan, lơ là với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú ở các trường học.

Trước đó, vào cuối năm 2018, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Đồn Xá (Hà Nam) đã phát hiện rau sâu thối, tôm ươn và chân giò lợn còn đầy lông, dính phân ở móng trong bếp ăn nhà trường. Từ phản ánh của phụ huynh, chính quyền địa phương đã yêu cầu trường đổi nhà cung cấp thực phẩm và rút kinh nghiệm.

Cuối năm 2017, phụ huynh Vĩnh Phúc phát hiện xe chở trứng thối, rau củ có dòi bên trong đang được vận chuyển vào trường Tiểu học Lý Nhân buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Dù toàn bộ chi phí cho bữa ăn bán trú đều do phụ huynh đóng góp trên cơ sở thỏa thuận với nhà trường, nhưng không phải trường nào cũng tham khảo ý kiến của phụ huynh trước khi lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm.

Một phụ huynh có con học tiểu học tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, về danh nghĩa thì phụ huynh được giám sát nhưng lại phải báo trước vài ngày hoặc báo trước cả tháng. Những buổi kiểm tra bữa ăn học đường có thành phần phụ huynh được tham dự, hoặc để truyền thông ghi hình, thường được nhà trường bố trí, chuẩn bị trước. Như vậy, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan.

Còn Chị Đ.T.L ở Phường Hoàng Liệt (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có 3 cháu thì cả 3 đều học bán trú. Hai cháu học mầm non và 1 cháu lớn học tiểu học. Khi đọc thấy thông tin vụ học sinh nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh, thực sự tôi rất lo lắng. Bởi hiện việc giám sát bữa ăn học đường của trẻ ra sao, phụ thuộc rất lớn vào việc nhà trường có “cho phép” hay không. Mấy năm trước, trên địa bàn Hoàng Mai, phụ huynh cũng đã phản ứng vì UBND quận “cấp phép” cho 3 công ty “độc quyền” cung cấp thực phẩm vào trường học khi phụ huynh chưa hề được trao đổi, bàn bạc, xin ý kiến.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...).

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học chưa sâu sát quan tâm vấn đề ATTP, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Theo một hiệu trưởng trường tiểu học tại Cầu Giấy (Hà Nội), dù đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các công ty nhưng nhà trường không thể “phó mặc” mà thường xuyên phải kiểm soát thực phẩm hàng ngày. Bếp trưởng sẽ kiểm tra xem thực phẩm có tươi sống, sạch sẽ hơn mới nhận. Nhà trường cũng phối hợp với Ban phụ huynh để cùng kiểm tra thực phẩm hàng ngày hoặc đột xuất.

“Thực phẩm cho các con cần phải được kiểm tra mỗi ngày, nhân viên nấu ăn phải thường xuyên được nhắc nhở, cập nhật kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm, nếu lơi là sẽ rất có khả năng xảy ra ngộ độc tập thể”, vị hiệu trưởng này cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh còn đang phó mặc cho nhà trường. Rất nhiều phụ huynh khi được hỏi đều trả lời không biết, không nắm rõ được nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến trong bếp ăn của con em mình.

Chị Nguyễn Thị L (có con 3 tuổi học trường mầm non Cầu Giấy) chia sẻ: “ Đi làm cũng tin tưởng giao con cho các cô, mình không để ý lắm đến việc ăn uống của con ở trường.”

Chị Trần Thị V ( con 4 tuổi) chia sẻ: “Các cô vẫn khẳng định thực phẩm được bảo đảm an toàn. Mình cũng không được xác thực nên cũng chỉ tin vào lương tâm của giáo viên.”

Một phụ huynh khác chia sẻ: “Anh cũng rất lo lắng khi nghe tin hàng trăm học sinh ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn. Nhưng anh cũng chưa tìm ra được đề xuất để tham gia vào việc đảm bảo chất lượng bữa ăn cho con ở trường”.

Bao giờ hết lo về thực phẩm?

Có một điều đáng lưu ý là, cứ mỗi khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, các cơ quan của ngành giáo dục đều khẳng định “sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường”, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu khẳng định này sẽ được duy trì trong bao lâu, hay khi sự việc lắng xuống, việc “siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp” cũng sẽ lại bị lãng quên, nhất là khi thực tế, hoạt động kiểm tra tổ chức bán trú cho học sinh vẫn được tiến hành và luôn được kết luận là “đúng quy trình, đảm bảo chất lượng”.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú, thiết nghĩ, các nhà trường cần nâng cao nhận thức, kiến thức an toàn thực phẩm cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học.

Thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên theo dõi hằng ngày việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn), lưu mẫu thức ăn.

Ngoài kiểm tra thường xuyên và đột xuất, phải xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm, buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần được tham gia trực tiếp vào việc giám sát. Nhà trường cần thành lập ban giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó phụ huynh là thành phần của ban và trực tiếp giám sát hàng ngày.

 Các cơ quan, chính quyền địa phương cần phải tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và khi có vụ việc xảy ra cần xử lí nghiêm khắc nhằm răn đe đối tượng khác.

 Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Văn Ngân, Văn phòng Luật sư Nguyên Giáp (Đồng Nai) khẳng định, việc để xảy ra mất ATTP tại các trường học là sự việc hết sức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các học sinh không chỉ thời điểm sử dụng thực phẩm mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe về sau.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Ngân cho rằng, các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, phạt tiền.  

Với biện pháp và mức xử phạt hành chính như vậy sẽ rất khó ngăn chặn hành vi sử dụng thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vào trường học.

Theo luật sư Ngân, cần phải có chế tài có đủ sức răn đe, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan… thì mới tạo được chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.

                              Thanh Hằng – Minh Nguyệt – Thu Thủy

Tin khác

Tổ chức y tế cảnh báo gia tăng dịch Sởi, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống

Tổ chức y tế cảnh báo gia tăng dịch Sởi, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống

(CLO) Tại nhiều khu vực trên thế giới các ca mắc bệnh Sởi đã tăng hơn 200%, vì thế các quốc gia không nên chủ quan.

Sức khỏe
Bế đung đưa để dỗ, một trẻ nhập viện trong trạng thái nguy kịch

Bế đung đưa để dỗ, một trẻ nhập viện trong trạng thái nguy kịch

(CLO) Một bé 2 tháng tuổi khóc nên người nhà bế rung lắc trẻ theo thói quen, không ngờ gây tổn thương não khiến trẻ phải cấp cứu và có nguy cơ để lại di chứng lâu dài.

Sức khỏe
TP HCM: Buộc thu hồi và tiêu hủy lô mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt chất lượng

TP HCM: Buộc thu hồi và tiêu hủy lô mặt nạ Prodak Strawberry Soft Facial Mask không đạt chất lượng

(CLO) Đây là nội dung nằm trong danh sách xử phạt trong lĩnh vực dược - mỹ phẩm - thiết bị y tế - đấu thầu giai đoạn 1/3 - 15/3, được Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố mới đây.

Sức khỏe
Đau đầu như nào thì phải đi khám để điều trị

Đau đầu như nào thì phải đi khám để điều trị

(CLO) Theo chuyên gia, phần lớn các trường hợp đau đầu thường nhẹ, không nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số trường hợp đau đầu là một triệu chứng của các bệnh lý thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Sức khỏe
Gia Lai: Kỷ luật ekip trực liên quan đến vụ thai nhi tử vong trong bụng mẹ

Gia Lai: Kỷ luật ekip trực liên quan đến vụ thai nhi tử vong trong bụng mẹ

(CLO) Theo kết quả của hội đồng chuyên môn con của sản phụ Nay H'Uyên tử vong là do suy thai cấp trong quá trình chuyển dạ. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đã kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan.

Sức khỏe