Vì sao Việt Nam nằm trong danh sách nâng hạng của FTSE Russell suốt 7 năm qua?
(CLO) Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell từ tháng 9/2018 tới nay. Hiện tại, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đơn vị này.
Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell
Trong chương trình công tác tại Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây, ông Nguyễn Đức Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trên hành trình phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán (TTCK).
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, chủ trương của Chính phủ, chính sách của Bộ Tài chính đều đề ra mục tiêu và mong muốn phát triển TTCK Việt Nam tăng trưởng ổn định, chất lượng, minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Theo Thứ trưởng, dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình kinh tế, tài chính, thương mại trên toàn cầu, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giữ nguyên mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GPD từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề cho tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn tới.
Vì vậy, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn cho mục tiêu này và xác định xây dựng TTCK là kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước có vai trò quan trọng.
“Trong đó, chúng tôi hiện nay tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm như trái phiếu công trình, trái phiếu dự án… nhằm đa dạng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân, thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư (PPP) nhằm thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng của đất nước góp phần phát triển kinh tế, cũng như đa dạng các kênh đầu tư, huy động vốn cho các chủ thể tham gia thị trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các tiêu chí nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, hiện TTCK Việt Nam đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí của FTSE Russell (một trong 3 đơn vị chuyên phân hạng thị trường).
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, những tiêu chí về chu kỳ thanh toán và xử lý giao dịch thất bại đã cơ bản đáp ứng sau khi Việt Nam ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC và áp dụng mang lại hiệu quả trên thực tế.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể giao dịch mua chứng khoán mà không yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh và việc xử lý khi có giao dịch thất bại (nếu có) xảy ra đã được quy trình hóa và xử lý đảm bảo thuận lợi cho các thành viên thị trường cũng như an toàn cho TTCK.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực xây dựng và triển khai các giải pháp, cũng như kết quả đạt được của các cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Tài chính, UBCKNN thời gian qua.
Ông Julian Casal, điều phối viên lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới cho hay, kể từ tháng 8/2023, UBCKNN công bố các giải pháp ngắn hạn sẽ được triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tốt hơn thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó nổi bật là giải pháp gỡ bỏ yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, rất nhiều biện pháp đã được triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả.
Chỉ sau một năm, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC và các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được trực tiếp trải nghiệm dịch vụ kể từ ngày 2/11/2024. Sau 4 tháng triển khai, theo các số liệu từ các ngân hàng lưu ký, đã có đến trên 50% các giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sử dụng cơ chế không yêu cầu có đủ tiền trước khi đặt lệnh.
“Những kết quả như vậy đã phản ánh sự quyết tâm, cũng như hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi”, ông Julian Casal nói.
Vì sao Việt Nam nằm trong danh sách nâng hạng của FTSE Russell suốt 7 năm qua?
Trước đó, FTSE Russell đã công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2. Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 9/2018 tới nay.
Theo đánh giá của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán – chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công”. Cả hai tiêu chí này hiện đều được xếp hạng là “Hạn chế”.

Vào tháng 11/2024, các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam đã triển khai mô hình không cấp vốn trước (Non Pre-funding - NPF), cho phép các công ty chứng khoán trong nước cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) một mức vốn phù hợp để hỗ trợ lệnh mua chứng khoán của họ, qua đó loại bỏ yêu cầu cấp vốn trước đối với FII.
Với sự phát triển này, FTSE Russell tiếp tục theo dõi thị trường và tìm kiếm phản hồi từ các bên tham gia thị trường về mô hình NPF và việc quản lý các giao dịch thất bại.
Ngoài ra, FTSE cho rằng Việt Nam cần cải thiện quy trình đăng ký tài khoản mới, vì các quy định hiện tại có thể dẫn đến thời gian đăng ký kéo dài. Việc đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong các chứng khoán đã đạt hoặc đang tiến gần đến giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) cũng được coi là quan trọng.
FTSE Russell ghi nhận cam kết liên tục của các cơ quan thị trường Việt Nam trong việc theo đuổi các cải cách quy định khác nhau nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm việc nâng cấp nền tảng giao dịch chính.
FTSE Russell đánh giá cao mối quan hệ xây dựng của mình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC), các cơ quan thị trường khác và Nhóm Ngân hàng Thế giới, hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng lớn hơn.
FTSE Russell cho biết sẽ cung cấp cập nhật về tình trạng danh sách theo dõi của Việt Nam trong kỳ đánh giá tiếp theo vào tháng 9 năm 2025.