Vicas Art Studio - Không để các nghệ sĩ tự do phải bơ vơ sáng tạo!

Thứ năm, 22/11/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang ở trong những ngày kỷ niệm tròn một năm thành lập. Nói về Vicas Art Studio, Hội đồng Anh (British Counsil) nhận xét: “Đây là cơ quan công lập đầu tiên hoạt động hỗ trợ các loại hình nghệ thuật đương đại” (trích “Báo cáo về các không gian sáng tạo ở Việt Nam”, năm 2018).

Có tên trên bản đồ nghệ thuật đương đại

Từ con số Không, Vicas Art Studio đang dần trở thành một điểm đến quen thuộc, tin cậy với các nghệ sĩ và với cả công chúng yêu nghệ thuật. Nhân dịp này, báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về những điều Vicas Art Studio làm được trong một năm vừa qua.

+ Mới thành lập được một năm nhưng Vicas Art Studio đã nằm trong danh sách các không gian sáng tạo được đánh giá bởi một tổ chức quốc tế có uy tín  là Hội đồng Anh. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Chúng tôi rất vui và hài lòng vì những việc chúng tôi đã và đang làm được cộng đồng ghi nhận. Khảo sát của Hội đồng Anh về các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật là một khảo sát rất tốt. Các không gian sáng tạo vô cùng quan trọng với các đô thị vì nó là nơi để kết nối những con người sáng tạo lại với nhau để tạo điều kiện cho họ kinh doanh, kết nối với nhau, với công chúng ở các lĩnh vực văn hóa, công nghệ... Ngoài kết nối sáng tạo, nó còn truyền đi các thông điệp cho xã hội, ví dụ như thông điệp “mọi người, mọi nơi, mọi lúc đều có thể sáng tạo”, “ai cũng có thể sáng tạo”... thì các không gian này có tác dụng như vậy.

Câu chuyện ở đây là “muốn hiểu phải yêu, muốn yêu phải hiểu”. Chúng ta muốn phát triển nghệ thuật thì chúng ta cần một tầng lớp những người yêu nghệ thuật, và muốn họ yêu nghệ thuật thì họ phải hiểu về nó. Chúng ta cần có các không gian văn hóa nghệ thuật để cho người ta đến để trải nghiệm nghệ thuật, đến học về nghệ thuật... từ đó văn học nghệ thuật mới phát triển được. Và khi văn học nghệ thuật phát triển nghĩa là chúng ta có thêm những người yêu cái đẹp, yêu những giá trị về Chân – Thiện – Mỹ trong xã hội. Và vì yêu cái đẹp mà xã hội trở nên tốt hơn.

Các không gian sáng tạo này là nơi tạo ra bản sắc mới cho các đô thị. Người ta cần tạo ra bản sắc riêng cho đô thị. Không thể nào cứ để các đô thị giống hệt nhau từ những cái chung chung như công nghiệp, thương mại hay các tòa nhà cao tầng. Các không gian sáng tạo này sẽ tạo ra các điểm nhấn cho các đô thị khác nhau bằng các khu vực khuyến khích sáng tạo. Nó kích thích nhiều con người tham gia vào không gian sáng tạo và đồng thời tạo ra các không gian mới ở khắp nơi.

Báo Công luận
 PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trong một buổi triển lãm tranh tại Vicas Art Studio. Ảnh: Việt Hưng.
+ Vậy Vicas Art Studio đã tạo ra sợi dây kết nối như thế nào cho các nghệ sĩ?

- Một trong những lý do để tạo ra nơi này là tôi nhận thấy có một khoảng trống trong việc thể hiện nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật đương đại là một nghệ thuật tương đối kén khán giả. Và vì nó kén khán giả, kén thị trường như thế nên các nghệ sĩ của nghệ thuật đương đại thường khó có thể bán được tác phẩm của mình.

Thời gian trước đây, để thể hiện tác phẩm của mình, các nghệ sĩ đương đại thường nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, ví dụ như Viện Goethe, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp, v.v... Khi họ dựa vào các đơn vị nước ngoài như thế, theo ý kiến của riêng tôi, họ sẽ bị định hướng bởi các tổ chức nước ngoài. Các nghệ sĩ sẽ phát triển theo hướng mà các tổ chức nước ngoài khuyến khích. Trong khi đó, các tổ chức trong nước thì ngại hoặc không tạo một môi trường thuận lợi để nghệ thuật phát triển. Như vậy thì toàn bộ mảng này sẽ rất khó phát triển.

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam với tư cách là viện nghiên cứu nghệ thuật hàng đầu Việt Nam, mong muốn tạo ra một sân chơi cho riêng mình, do chính cơ quan quản lý nhà nước định hướng sự phát triển của nghệ thuật đương đại chứ không chịu sự định hướng của các tổ chức nước ngoài nữa. Chúng ta chủ động định hướng sự phát triển của nghệ thuật đương đại.

Khi chúng ta chủ động như thế thì chúng ta sẽ hiểu được các nghệ sĩ. Chúng ta chỉ có thể quản lý các nghệ sĩ khi hiểu họ và giúp họ phát triển nghệ thuật.

Ở Vicas Art Studio, ngoài triển lãm giới thiệu tranh, các họa sĩ trẻ đương đại, còn có các triển lãm về ánh sáng, về múa, về âm thanh, v.v... cũng đã được tổ chức. Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã tổ chức được 11 cuộc trưng bày, triển lãm, giới thiệu các bộ môn nghệ thuật đương đại. Trong số này có 4 cuộc là có sự trao đổi với các chuyên gia, nghệ sĩ quốc tế. Các nhà phê bình, các họa sĩ đã gặp gỡ và cùng trao đổi về những xu hướng nghệ thuật mới, cách thức phê bình nghệ thuật.

Bên cạnh đó là hoạt động trao đổi nghệ sĩ. Viện có nhiều mối quan hệ với các trung tâm sáng tạo ở khắp thế giới. Và khi họ biết đến các không gian sáng tạo ở Việt Nam thì họ biết đến Vicas Art Studio. Không gian này đã được định vị trên bản đồ không gian nghệ thuật trên thế giới.

Chúng tôi cũng đã đưa các nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài. Trong năm vừa qua đã hai đoàn nghệ sĩ đi Hàn Quốc và Đài Loan. Hai đoàn đều được đánh giá rất cao, và các nước mong muốn tiếp tục mời các nghệ sĩ của Việt Nam sang vì họ thấy rằng “à, Việt Nam cũng có quan tâm đến các nghệ sĩ đương đại, và các nghệ sĩ Việt Nam thực sự có tài”.

Điều này vô cùng quan trọng ở chỗ, chúng ta đã thể hiện rằng các cơ quan nhà nước quan tâm đến các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ tự do, các nghệ sĩ đương đại. Chúng ta không bỏ qua họ, chúng ta không để họ bơ vơ với thị trường, với các tổ chức nước ngoài. Điều đó, ngoài ý nghĩa về mặt nghệ thuật còn mang ý nghĩa chính trị rất nhiều khi chúng ta phát triển.

Báo Công luận
Tác phẩm “Xã hội” dưới con mắt của Yến Năng. 
Yếu tố chính trị không cản trở sáng tạo

+ Ông nhắc đến chuyện chính trị và quản lý nhà nước, vậy có khi nào yếu tố chính trị lại trở thành một cản trở đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ không thưa ông?

- Đấy cũng là một điều mà tôi lo lắng từ ban đầu. Là một cơ quan nhà nước đứng ra để tổ chức các sự kiện, bao giờ cũng vậy, một trong những yêu cầu đầu tiên của những người quản lý trung tâm này là phải có giấy phép. Việc xin giấy phép phải trải qua rất nhiều thủ tục xem xét kỹ lưỡng. Chúng tôi cũng lo ngại rằng, liệu các kiểm duyệt này có hạn chế sáng tạo hay không.

Trên thực tế, cũng có một hai trường hợp bị loại, nhưng điều đó theo tôi thì không phải là cản trở lớn nhất. Tôi nghĩ, khi nghệ sĩ có ý thức về việc sáng tác thì đương nhiên sẽ phải là những tác phẩm đem lại những giá trị cho xã hội. Tức là bản thân nghệ sĩ chúng ta đã có cái “kiểm duyệt” từ ngay trong đầu. Làm sao để tạo ra những tác phẩm đẹp, có giá trị với xã hội, làm sao hài hòa với công chúng. Như vậy sẽ không xảy ra các trường hợp giống như đối với các tổ chức quốc tế tổ chức. Người ta không định hướng được sự phát triển mà quá sa đà vào các vấn đề chính trị, theo ý của họ mà lại không phù hợp với phong tục tập quán hay các giá trị đạo đức hay các nguyên tắc chính trị ở Việt Nam.

+ Thưa ông, một năm qua, Vicas Art Studio đã hỗ trợ rất nhiều cho các nghệ sĩ đương đại. Vậy bất kỳ nghệ sĩ nào thấy bản thân có khả năng mà đang bị thiếu về nguồn lực thì có thể đến đây để tìm kiếm sự hỗ trợ phải không?

- Đúng như vậy. Tất cả các nghệ sĩ đều có thể đến đây. Tất cả đều được chào đón. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các nghệ sĩ tiếp cận khán giả và kết nối họ với các nghệ sĩ khác. Đấy là một trong những mục đích quan trọng của trung tâm. Trung tâm này mở ra không vì mục đích lợi nhuận. Chắc chắn là như vậy.

+ Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Tử Hưng (Thực hiện)

 

Tin khác

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

Du khách khám phá không gian trưng bày thổ cẩm Xí Thoại

(CLO) Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với đơn vị du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

(CLO) Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Đời sống văn hóa
Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

Tác giả bộ truyện 'Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh' giao lưu với độc giả Việt Nam

(CLO) Ngoài yếu tố giải trí, bộ truyện "Nhóc Miko - cô bé nhí nhảnh" có thể xem là sổ tay hướng dẫn cho các bé gái và thiếu nữ cách ứng xử văn minh và cởi mở trước các vấn đề trong cuộc sống.

Đời sống văn hóa
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề 'Thế giới tôi đọc'

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, chủ đề "Thế giới tôi đọc"

(CLO) Ngày 20/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 với chủ đề "Thế giới tôi đọc" do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức.

Đời sống văn hóa
57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

57 cây chè cổ Shan tuyết ở Mộc Châu là cây di sản Việt Nam

(CLO) Ngày 20/4, UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận cây di sản Việt Nam đối với quần thể 57 cây chè cổ Shan tuyết ở tiểu khu bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu).

Đời sống văn hóa