(NBCL) Gần đây, dư luận đang xôn xao về việc ông Lê Thanh Tuyết- Bí thư Thị ủy thị xã Phổ Yên- bị tố” bố trí người thân, anh em họ hàng vào những “vị trí chủ chốt”. Tuy nhiên, theo kết luận của Sở Nội vụ Thái Nguyên việc bổ nhiệm trên là đúng quy trình, không có sai phạm, khuất tất. Ông Trần Dương Thịnh- Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên- cho biết: “Những thông tin trên là không có căn cứ vì 8 đồng chí bị “tố” được “bố trí” đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, đạo đức ở các vị trí đó. Quá trình bổ nhiệm thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục theo đúng quy định và kết quả của từng bước thủ tục đều tốt, giới thiệu phiếu tín nhiệm tại cơ sở, tại đơn vị đó đều rất cao. Hơn thế nữa, nhìn vào danh sách 8 người này không ai cùng họ với ông Tuyết chứng tỏ họ không phải là anh em ruột thịt. Mặc dù tất cả các chức danh được bổ nhiệm ở dưới là thuộc thẩm quyền, theo phân cấp của huyện (thị xã), thuộc trách nhiệm của Ban thường vụ Thị uỷ Phổ Yên nhưng sau khi có thông tin về việc ông Lê Thanh Tuyết bị “tố” bố trí 8 người thân, anh em họ hàng vào những “vị trí chủ chốt” đích thân tôi đã xuống làm việc trực tiếp ngay để nắm tình hình”.
[caption id="attachment_65464" align="aligncenter" width="460"]
Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên: Không có khuất tất trong việc bổ nhiệm cán bộ ở Phổ Yên.[/caption]
Theo ông Nguyễn Quang Dương – Trưởng Ban tổ chức Thị ủy Phổ Yên – 8 người bị “tố” được “cài cắm” vào những “vị trí chủ chốt” đều là những cán bộ có năng lực, được tổ chức quy hoạch từ nhiệm kỳ 2010 – 2015. Khi chuẩn bị nhân sự, kể cả bên Đảng và bên Nhà nước đều có đề nghị của các ngành, phòng ban thì tập thể thường trực mới bàn bạc, thống nhất cho làm quy trình xem xét, bổ nhiệm nhân sự. Sau khi thực hiện xong quy trình này, phải thông qua để UBND bỏ phiếu và nếu thống nhất thì tiếp tục trình lên ban thường vụ xem xét. Công tác cán bộ phải có quy hoạch, làm đúng quy trình, công khai, dân chủ. Trình độ, năng lực của cán bộ được thể hiện trong quá trình công tác tại đơn vị, được khẳng định qua công việc. Nhiều người trong số đó được sinh ra trong gia đình có truyền thống, có bố mẹ từng là cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, chứ không chỉ là họ hàng xa với ông bí thư. Thực tế từ khi bổ nhiệm đến nay đều được đánh giá làm việc tốt.
Trong giai đoạn 2010-2015, Phổ Yên đã thu hút hơn 60 dự án lớn trên địa bàn đưa tổng vốn đầu tư đạt 225.000 tỷ đồng, trong đó có dự án của Tập đoàn Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình là dự án có quy mô lớn nhất tỉnh hiện nay, mang lại công ăn việc làm cho người dân địa phương, đến nay Phổ Yên đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí của một thị xã với tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 411,168 tỷ đồng. “Không hiểu sao lại có đơn tố cáo ông Tuyết, chứ nhìn vào tám người trong danh sách, không thấy ai cùng họ Lê với ông Tuyết. Điều đó chứng tỏ họ không phải anh em ruột thịt, họ hàng gần gũi”– ông Nguyễn Quang Dương đặt câu hỏi.
Nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính pháp lý, Luật sư Nguyễn Hoàng Hải (Văn Phòng luật sư Nguyễn Hoàng Hải và cộng sự - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Việc tuyển dụng, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, luân chuyển,... cán bộ, công chức hiện nay tại Việt Nam được quy định rất cụ thể ở một số Luật, văn bản liên quan. Cho đến nay, chưa có bất kỳ quy định nào quy định những người có họ hàng, quan hệ huyết thống với nhau thì không được phép làm trong cùng một cơ quan nhà nước. Một cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì có thể được cơ quan nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển theo quy trình. Theo quy định của pháp luật, nếu trong cùng một cơ quan Nhà nước, địa phương nào đó mà có nhiều người cùng dòng họ, huyết thống thì cũng không có gì là sai.
Trường hợp nếu thấy có nghi vấn thì cơ quan chức năng có thể xem xét lại một số yếu tố sau: Thứ nhất, xem xét việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển... cán bộ, công chức có căn cứ vào quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế hay không. Thứ hai, cá nhân được tuyển dụng, bổ nhiệm... có đủ điều kiện tiêu chuẩn tương đương với chức danh đó hay không. Thứ ba, xem việc đề bạt tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển... có đúng quy trình chưa? Tất cả những nội dung này đều được pháp luật quy định rõ ràng. Về phương diện tổ chức Đảng cũng có những quy định rất cụ thể, đầy đủ về công tác tổ chức cán bộ từ việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật hoặc thôi việc… nhưng cũng không có quy định cụ thể về các mối quan hệ của lãnh đạo, cán bộ cơ quan không được bổ nhiệm, trọng dụng.
Đàm Phương