(NB-CL) Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng nghìn cựu Thanh niên xung phong (TNXP) trong cả nước vẫn đang mỏi mòn chờ đợi để được giải quyết chế độ đối với người có công... Thậm chí, trong số đó có hàng trăm trường hợp đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu, ốm đau, bệnh tật, vết thương tái phát. Thế nhưng, những sự hy sinh, mất mát đó vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, bù đắp thoả đáng! Hàng nghìn cựu TNXP mỏi mòn chờ giải quyết chế độ Hơn 35 năm qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại, những mảnh bom, đạn đang ngày đêm hành hạ hàng nghìn cựu TNXP... Trong những năm qua, dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định để giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công, song vẫn còn đó trên 50% cựu TNXP trong kháng chiến chưa được hưởng chế độ chính sách ấy. Hàng nghìn gia đình liệt sỹ, hàng vạn thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc hóa học, phụ nữ cô đơn già yếu vẫn đang mỏi mòn chờ đợi giải quyết chế độ, hàng vạn người đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, cho đến khi già yếu, ốm đau, bệnh tật, tái phát vết thương cùng với di hại của chiến tranh rồi qua đời, mà vẫn chưa hề được hưởng chính sách đối với người có công. Nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, không được trợ cấp mai táng phí khi qua đời. Còn nhiều trường hợp thương tâm như mấy chục cựu Thanh niên xung phong nhiễm chất độc, di hại cho đến đời con, đời cháu mà vẫn chưa được giải quyết chế độ trợ cấp. Điển hình là trường hợp hơn 100 thanh niên xung phong dũng cảm xông ra cứu đoàn tàu chở hàng quân sự ga Gôi, Nam Định, bị Mỹ ném bom bắn phá, một số hy sinh, một số bị nhiễm chất độc nhưng theo quy định thì Nam Định không nằm trong vùng bị Mỹ rải chất độc đioxin. Đối với tỉnh Nghệ An, theo thống kê, số cựu TNXP bị thương trong toàn tỉnh đã được công nhận thương binh là 4.198 người, nhưng hiện vẫn còn 2.616 cựu TNXP chưa được công nhận thương binh, trong đó có 1.100 trường hợp đã xác lập hồ sơ đề nghị giám định thương tật theo quy định Thông tư liên tịch (TTLT) số 16/1999 từ năm 2.000 đến nay chưa được giám định thương tật. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hà Nội hiện còn khoảng hơn 500 trường hợp đang phải chờ cấp có thẩm quyền hướng dẫn giải quyết. Được biết, qua đợt tổng rà soát người có công vừa qua, Hà Nội phát hiện có 49 trường hợp hưởng sai, trong đó đã xác minh 30 trường hợp không thuộc đối tượng chính sách nhưng vẫn hưởng chế độ, qua đó thu hồi hơn 1,3 tỷ đồng. Còn 19 trường hợp khác vẫn đang tiếp tục xác minh, khi đã rõ thì tiếp tục thu hồi.
Chính sách lộ rõ nhiều bất cập Lý giải vì sao tới nay vẫn còn hàng nghìn cựu TNXP chưa được hưởng chính sách như thương binh, ông Nguyễn Cao Vãng- Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam- cho rằng: Chủ yếu là do bất cập về chính sách. Điển hình nhất là TTLT số 28 ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) và Bộ Quốc phòng về Hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ có rất nhiều vướng mắc, không phù hợp đặc thù của lực lượng TNXP. Trước tình hình tồn đọng chính sách đối với TNXP ở Nghệ An, ông Chu Vĩnh Hiệp nguyên Trưởng Ban TNXP và lao động trẻ, thuộc Tỉnh Đoàn Nghệ An phân tích: Trong khi TTLT số 17/2003 quy định hồ sơ thủ tục và điều kiện không phù hợp đặc thù của lực lượng TNXP tham gia phục vụ kháng chiến; không phù hợp hoàn cảnh và đời sống hiện tại của TNXP, gây nên việc tồn đọng chính sách TNXP kéo dài kể từ năm 2003, thì TTLT số 28 lại càng khiến cho việc thực hiện chính sách đối với TNXP trở nên quá khó để áp dụng vào thực tế. Do tính đặc thù của lực lượng TNXP, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị giải thể, không có cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận bàn giao, quản lý hồ sơ, danh sách, giấy tờ liên quan, do chiến tranh kết thúc hàng chục năm, hay do bão lũ thiên tai, cho nên việc các cựu TNXP nay tuổi đã cao, có thể cung cấp giấy tờ gốc hoặc gần gốc là điều rất khó. Theo lý giải của đại diện Cục Người có công, Bộ LĐTB và XH: Việc giải quyết tồn đọng chính sách với người có công nói chung và lực lượng TNXP nói riêng, đã được thực hiện từ rất nhiều năm. Để giải quyết tồn đọng chính sách đối với TNXP, năm 1999, đã có Thông tư liên tịch số 16 giữa Bộ LĐTB và XH và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong đó nội dung cơ bản là lập hồ sơ trên cơ sở hai người làm chứng. Năm 2013, trên cơ sở Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013, Bộ LĐTB và XH, Bộ Quốc phòng ban hành TTLT số 28, hướng dẫn việc giải quyết chính sách tồn đọng đối với thương binh, người có công trong chiến tranh không còn giấy tờ. TTLT số 28 có một số quy định khác hơn so trước đây để giải quyết tồn đọng. Trước đây, giải quyết tồn đọng cơ bản là trên cơ sở hai người làm chứng, nhưng hiện nay, sau khi tiếp thu góp ý của các bộ, ngành, cơ chế giải quyết xác nhận việc lập hồ sơ trên cơ sở hai người làm chứng không còn nữa. Thực tế, việc lập hồ sơ trên cơ sở hai người làm chứng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người có công không còn hồ sơ được hưởng chế độ, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra những kẽ hở để một số người gian lận nhằm hưởng chính sách ưu đãi. Số người lập hồ sơ gian lận để hưởng chế độ đã gây bức xúc, mất lòng tin của nhân dân đối với sự quản lý của cơ quan Nhà nước. CHÍ TUYÊN