Việc tinh giản biên chế từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
(CLO) Trong năm 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, lần đầu tiên cả nước đã hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế mà Bộ Chính trị đề ra (10%), trong đó, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.

Việc tinh giản biên chế cơ bản đã gắn với cơ cấu, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. (Ảnh: Minh họa).
Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quản lý biên chế và tổ chức bộ máy giai đoạn 2015-2020, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù năm 2022 cho các Bộ, ngành, địa phương. Tổng số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã) hiện nay là 247.722 biên chế.
Xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã chủ động, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương để bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
Nhấn mạnh về việc này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong năm 2021, Bộ Nội vụ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện phân cấp triệt để trong tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cụ thể, Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng rà soát, xây dựng và ban hành các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực quản lý ở các bộ chuyên ngành, bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhân Nghĩa