(CLO) Ngày 19/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến với báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. [caption id="attachment_184080" align="aligncenter" width="600"]
UBTV Quốc hội thảo luận báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chính phủ[/caption] Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2017, công tác này đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ nhận định công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản tán thành với các kết quả thực hiện công tác này thời gian qua được Báo cáo của Chính phủ đưa ra, song lưu ý báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng, cũng như chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016. Bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, số liệu trong Báo cáo về công tác phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng còn mâu thuẫn với số liệu trong Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017, các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đối với những hạn chế, tồn tại trong thực hiện công tác này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm. Điều này thể hiện qua việc Đề án kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn chậm được xây dựng; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Một hạn chế khác được Ủy ban Tư pháp lưu ý là việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài. Ngoài ra, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Tại phiên thảo luận, một số thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, các báo cáo nên viết theo hướng tập trung hơn về những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, cũng như những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Các số liệu nêu ra cần có chứng minh cụ thể, rõ ràng, bảo đảm sự sát thực, nhất quán của các số liệu giữa các báo cáo. Đề nghị các cơ quan thống nhất số liệu, tránh tình trạng mỗi cơ quan đưa ra một số liệu khác nhau. Về phương hướng và kiến nghị cũng nên tập trung vào thời gian của năm 2018, không nên nói chung chung là thời gian tới. Đề cập đến các nội dung cụ thể của các báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được còn có nhiều hạn chế, tồn tại. Trong đó, một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo, nhưng chậm được sửa đổi. Một số trường hợp người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vẫn còn hạn chế như nội dung còn nghèo nàn, hình thức chưa đa dạng, phong phú. Nhiều vụ án tham nhũng tiến độ xử lý chậm; nhiều kết luận thanh tra chậm được công bố, công bố không đúng thời hạn như thông báo... Đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị các báo cáo có bổ sung đánh giá về hậu quả mà các hoại tội phạm gây ra, bởi “tội phạm giảm không có nghĩa là hậu quả cũng giảm theo. Đồng quan điểm với ý kiến của nhiều đại biểu về sự đầy đủ, chi tiết của các báo cáo, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, có một nội dung mà các báo cáo cần tập trung phân tích, đề cập, đó là trách nhiệm, việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. “Có những vụ việc, khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là không có gì, không phát hiện ra gì, nhưng khi bị phát giác, bị phát hiện ra thì lại rất to. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đây là gì?”- ông Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm. Ông Cương cũng nhấn mạnh cần phải có các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng hành chính hóa các vụ án hình sự, vì thực trạng này thời gian qua đã xảy ra không ít. Những biểu hiện tiêu cực là rõ ràng, nhưng không được xem xét và xử lý đúng mức, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về tính nghiêm minh của pháp luật...
PV