Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt: Phát triển vì mục đích hòa bình
Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt: Phát triển vì mục đích hòa bình
(Congluan.vn) - Hội nghị quốc tế chuyên đề Thiết kế, vận hành và ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân được tổ chức tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện NCHNĐL) ngày 19/3/2014 đã đạt được những kết quả thiết thực...
Các nhà khoa học giải thích quy trình hoạt động của Viện NCHNĐL
Trước đó ngày 18/3, ROSATOM (Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga) đã trao Giải thưởng ngành công nghiệp hạt nhân cho 6 nhà khoa học Việt Nam đã có cống hiến cho sự hiện đại hóa và phát triển của lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân tại thành phố Đà Lạt. 6 nhà khoa học gồm: GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó chủ tịch Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, GS Nguyễn Văn Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân TP.HCM, TS Trần Hà Anh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt; GS Ngô Quang Huy, TS Phạm Quốc Trinh, P.GS - TS Nguyễn Mộng Sinh, đều là nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Chương trình kỷ niệm 30 năm khôi phục và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Tại hội nghị, có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia về hạt nhân đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), gồm các nước Nga, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam tham dự. Tham dự hội nghị, các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm vận dụng lò phản ứng nghiên cứu vào hỗ trợ chương trình phát triển điện hạt nhân; nguyên tắc khi thiết kế hệ thống điều khiển và phòng hộ của lò phản ứng nghiên cứu.
Phóng viên (đứng trước) cùng các nhà khoa học chuẩn bị tham quan lò phản ứng hạt nhân
Tâm điểm trong hội nghị là sự chia sẻ ứng dụng của lò phản ứng nghiên cứu tại Nhật Bản và kiểm định độ an toàn của các lò phản ứng nghiên cứu sau sự cố Fukushima của giáo sư Ken Nakajima (Nhật Bản). Bên cạnh đó, các đặc điểm thiết kế của lò nghiên cứu hạt nhân dự kiến được xây tại Đà Lạt (do Chính phủ Nga hỗ trợ tín dụng 500 triệu USD để xây dựng), cùng với việc đào tạo các cán bộ có chuyên môn vận hành và sử dụng lò phản ứng nghiên cứu mới trong tương lai đã được ông V.A.Pershukov, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) trao đổi cụ thể.
Qua hội nghị này, Việt Nam sẽ rút ra được bài học, kinh nghiệm khi thiết kế, vận hành và ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân mới một cách an toàn, hiệu quả. Đó là nhận định của Tiến sĩ Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KH-CN Việt Nam.
Theo P.GS-TS Nguyễn Nhị Điền, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, Viện trưởng Viện NCHNĐL phân tích: Nhờ nguồn nhiên liệu uranium LEU, thông qua các thiết bị máy móc, Viện NCHNĐL sản xuất ra nhiều loại đồng vị phóng xạ ứng dụng hiệu quả vào đời sống. Cụ thể, lò nghiên cứu hạt nhân tạo ra các chùm tia bức xạ để chiếu xạ, gồm chiếu xạ vật liệu để nghiên cứu thành phần và tính chất của vật liệu, chiếu xạ mẫu để sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ các ngành y tế và công nghiệp, nông nghiệp; phân tích thành phần nguyên tố vi lượng trong các mẫu chiếu xạ...
P.GS-TS Nguyễn Nhị Điền, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, Viện trưởng Viện NCHNĐL (ngoài cùng bên trái) phân tích hiệu quả của lò phản ứng hạt nhân
P.GS-TS Nguyễn Nhị Điền khẳng định: "Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA và cộng đồng quốc tế trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, thực hiện chính sách về phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình".
Cũng theo P.GS-TS Nguyễn Nhị Điền, hiện có hàng trăm sinh viên được EVN, Bộ GD-ĐT gửi đi đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị nhân lực cho nhà máy Điện hạt nhân. Năm 2014 có thể làm một số công trình phục vụ thi công, khởi công chính thức nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Dù chưa định được thời gian nhưng theo ước tính cuối năm 2020, tổ máy đầu tiên sẽ được vận hành. Đến lúc này, nhân lực cho mỗi nhà máy lên đến hơn 1.000 người trong đó có đến 400 kỹ sư công tác.
Hiện,Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ năng lượng hạt nhân, với một lò nghiên cứu hạt nhân mới tại TP. Đà Lạt, và xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Phải nhìn nhận, Viện NCHNĐL sau gần 30 năm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ quan trọng của mình là góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Việt nam trong thời kỳ đổi mới.
Mỹ Ánh