Đáng nói, câu chuyện ấy diễn ra tại nước Nhật, nhưng lại đang rất “hot” trên các trang mạng xã hội Việt Nam. Lý do đơn giản: rất nhiều ý kiến cho rằng thủ phạm ở đây là… người Việt – khi những kí tự để lại trên di tích của Nhật Bản rất giống với ngôn ngữ Việt Nam. Dù phỏng đoán ấy đúng hay sai, chúng ta đang có cơ hội tốt để tự nhìn lại một thói xấu trong văn hóa ứng xử – khi mà với câu chuyện này, sự bức xúc chung của cộng đồng đang được đẩy lên cao.
“Nghi án” người Việt vẽ bậy
Mặc dù, sự việc quy chụp trên là vội vã – khi những kết luận cuối cùng chưa được đưa ra – thì cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn: sở thích để lại “dấu ấn” khi đi du lịch của người Việt là có thật và không xa lạ gì.
Không cần phải sang Nhật Bản, chính chúng ta cũng liên tục bắt gặp câu chuyện này trong đời sống hằng ngày, với sự bức xúc của dư luận và báo giới.
Gần như, ở mỗi cuộc tọa đàm về du lịch hay bảo tồn di sản, phía quản lý vẫn thường xuyên nhắc đến tình trạng vẽ, khắc, viết bậy… lên di tích và hiện vật. Kèm theo đó, ảnh chụp các “tác phẩm” của những người thiếu ý thức này cũng liên tục được cung cấp cho cộng đồng.
Không đâu xa, ngay tại Hồ Gươm của Hà Nội, 2 di tích là tháp Hòa Phong và tháp Bút thường xuyên trở thành nạn nhân của tình trạng này. Như những gì được ngành quản lý phản ánh, cứ sau một khoảng thời gian nhất định, lực lượng làm vệ sinh tại đây lại phải vất vả tìm cách tẩy xóa những câu chữ, hình thù đủ màu sắc và ngôn ngữ được viết, vẽ lên phần thân tháp.
Hoặc, tại chùa Cổ Lễ (Nam Định), nhà chùa cũng đã từng phải kêu trời – khi ngoài việc viết chi chít lên gác ba tầng tại đây, có đối tượng còn chịu khó tìm cách chui cả vào… lòng quả chuông đang treo ở đỉnh tầng ba để vẽ bậy. Rồi, tại Huế, chuông đồng (Đại hồng chung) chùa Thiên Mụ, dù đã được xếp hạng là bảo vật Quốc gia vào năm 2014, cũng từng rơi vào tình trạng này.
Thậm chí, vài năm trước, cột mốc 423 của tỉnh Hà Giang từng bị một nhóm du khách sửa thành cột mốc 428 để chụp ảnh, khiến cho các chiến sĩ biên phòng phải đến tận nơi để kiểm tra và khôi phục hiện trạng.
Thật ra, tại Việt Nam, các quy phạm pháp luật về việc này không thiếu – theo đó, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng, đó không phải là cách để xử lý tận gốc vấn đề.
Không ai có thể giám sát nổi hàng chục ngàn di tích, thắng cảnh tại Việt Nam trong suốt 24 giờ. Và về bản chất, một thói xấu trong văn hóa ứng xử chỉ có thể giải quyết chính bằng con đường của văn hóa, từ trong nhận thức.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Vậy trách nhiệm thuộc đâu? Đó là câu hỏi được đặt ra, trước hết là Ban quản lý các di tích đó. Nếu là dân sở tại vạch vẽ thì các nhà quản lý văn hóa cần theo dõi, nắm bắt giáo dục bằng các hình thức khác nhau để có biện pháp phù hợp, nhắc nhở, kiện cáo, tương xứng với hành vi thiếu văn hóa.
Vẽ bậy lên báu vật quốc gia thì tội sẽ được xử lý với hình thức cao hơn, vẽ lên tường thì cũng tùy cấp độ khác nhau.
Chính quyền, các nhà quản lý văn hóa trực tiếp, đội ngũ bảo vệ phải có ý thức trách nhiệm, quan sát, bao quát nắm bắt đối tượng, chính quyền sở tại phải có biện pháp nào đó, phát tờ rơi, giải thích, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt thế hệ trẻ, đối với giá trị di tích địa phương.
Nhưng người quản lý văn hóa thì không thể 24/24h đứng đó túc trực, xử phạt mà phải thông qua các phương tiện truyền thông, sinh hoạt các hội đoàn, hội phụ nữ, câu lạc bộ địa phương để tuyên truyền giáo dục, trên cơ sở đó nâng cao vai trò, ý thức bảo vệ di tích của người dân.
Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ thuộc về nhà quản lý văn hóa mà còn thuộc về chung cộng đồng, bởi vì di sản văn hóa, chủ thể chính là cộng đồng, các thế hệ cộng đồng trao truyền, bảo tồn cùng các thiết chế văn hóa, chính quyền và các nhà quản lý văn hóa khai thác, phát huy giá trị đó, bản thân cộng đồng phải có ý thức trách nhiệm.
Vì vậy ngay cả tuyên truyền, vận động, quảng bá cũng phải có nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ các hình thức sinh hoạt văn hóa dòng họ, sinh hoạt văn hóa gia đình, sinh hoạt văn hóa hội đoàn, đoàn thể, dưới nhiều góc độ khác nhau để nâng cao nhận thức của người dân, chứ không nói chung chung được.
Phải gắn liền với giáo dục từ nhỏ
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Thành Phần - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho rằng, đây là câu chuyện bình thường với người Việt Nam, bất kỳ nơi nào họ cũng muốn lưu giữ câu chuyện của mình, mối tình, hay mối tâm giao bạn bè... họ không phân biệt được nơi nào được ghi và không được ghi.
“Nguyên nhân chính là do giáo dục, chúng ta không giáo dục việc này, tôi nghĩ lỗi không phải của những người vẽ bậy mà lỗi hệ thống giáo dục của chúng ta, trường học không giáo dục, nên đó là chuyện đương nhiên.
Chúng ta phải có giáo dục từ nhỏ, tại sao người Nhật Bản họ tôn trọng và làm những việc này rất tốt trong khi sinh ra con người như nhau, nhưng khi lớn lên, nằm trong hệ thống giáo dục khác nhau sẽ hình thành ý thức khác nhau.
Hiện có 3 hệ thống: hệ thống giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội, 3 hệ thống này liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau thật tốt. Con người sống trong môi trường giáo dục tốt thì mới hình thành nên được nhân cách tốt, đó là bình thường, không đáng ngạc nhiên.
Ai cũng có cái tôi của mình, ai cũng thích, cũng muốn mình nổi tiếng, cũng muốn lưu kỷ niệm, nhưng vì không có giáo dục nên họ không muốn làm gì, họ làm thế không biết đúng hay sai.
Tôi lấy một ví dụ cụ thể, người Nhật Bản tại sao họ có ý thức vì từ nhỏ họ đã dạy, trong xã hội, trong dòng tộc đều dạy, nên lớn lên họ ý thức rất cao. Họ ra đường không xả rác, vì từ nhỏ họ đã thấy cả xã hội, bố mẹ không ai làm thế, nên họ không làm. Đó là một thói quen nếu làm khác đi thì họ thấy khó chịu.
Văn hóa là từ giáo dục mà ra, chứ không phải tự nhiên có được, văn hóa được hình thành bởi giáo dục cộng đồng, gia đình, xã hội”, ông Phần nhấn mạnh.
Đồng thời, theo vị chuyên gia này, để xử lý, chúng ta phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, trước mắt và lâu dài. Trước mắt là có chế tài, bất khả dĩ, ra một bộ Luật quy định về việc ai vẽ bậy bắt được thì phạt thật nặng, nhưng đó chỉ là tạm thời. Về lâu dài thì phải làm sao để họ hiểu được ý nghĩa, vì sao không nên vẽ, tôn trọng giá trị văn hóa.
Khánh An