25 năm trước, quyết định gia nhập ASEAN được xem là bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Gia nhập ASEAN là một trong những điểm đột phá đầu tiên để Việt Nam triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ VII đã đề ra, từng bước đưa đất nước thoát khỏi bao vây cấm vận, đẩy nhanh sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, chuyện “nhập gia” vào “ngôi nhà chung” ASEAN ngày đó không hề dễ dàng. Những năm đầu 1990, dù đón nhận thông tin Việt Nam muốn gia nhập Hiệp hội một cách khá thiện chí nhưng thực sự nhiều nước thành viên ASEAN vẫn không giấu nổi những băn khoăn và cả đôi chút hoài nghi. Hoài nghi lớn nhất của các nước với Việt Nam là sự “bành trướng chủ nghĩa cộng sản” xuống Đông Nam Á, do Liên Xô đứng đầu và Trung Quốc hỗ trợ. Chính vì sự hoài nghi ấy mà hành trình đàm phán thời điểm đó gặp nhiều thách thức, thậm chí có những khó khăn, rào cản tưởng chừng rất khó vượt qua. 

Trong ký ức của mình, ông Đỗ Ngọc Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ ASEAN, một trong những người theo đuổi đàm phán từ khi Việt Nam là quan sát viên của ASEAN năm 1992, vẫn chưa quên những ngày cam go ấy. Điều làm ông nhớ nhất có lẽ là “sự cố” xảy đến bất ngờ khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến phiên họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN. Chuyện là thời điểm đó một thành viên ASEAN bất ngờ nêu ra vấn đề thuyền nhân Việt Nam trong khi trước đó vấn đề này đã được ASEAN thảo luận và đi đến thống nhất. “Thành viên đó muốn thử xem Việt Nam có thực sự quan tâm đến quan điểm chung của Hiệp hội hay không. Biết được điều này, Việt Nam đã nêu rõ những điểm không nhất trí và những điểm có thể đồng tình. Chúng ta kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, thậm chí đặt cả vấn đề nếu phải thay đổi quan điểm sẽ ảnh hưởng đến việc gia nhập ASEAN”, ông Sơn nhớ lại.

Cuối cùng bản lĩnh của những người làm ngoại giao Việt Nam đã được chứng minh, ASEAN không ra tuyên bố về thuyền nhân Việt Nam và việc kết nạp Việt Nam sau đó vẫn được tiến hành như đã định. Đất nước hình chữ S đã nhận được cái gật đầu đồng ý, những tràng pháo tay tán thưởng, những vòng tay ôm chào đón của các nước thành viên ASEAN. 

Cũng bởi thấu hết những khó khăn thách thức, thậm chí những cam go để có thể bước chân vào “ngôi nhà chung ASEAN” ngày ấy, nhiều năm đã qua đi, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm- người đã đồng hành cùng tiến trình gia nhập ASEAN từ buổi đầu- vẫn không thôi xúc động. “Khoảnh khắc khi lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, tôi xúc động đến rưng rưng nước mắt”- “nhà ngoại giao của đổi mới và hội nhập” nhớ lại.

“Nhập gia” đã khó, làm thế nào để “hòa nhập” được với các thành viên trong “ngôi nhà ASEAN” còn khó hơn nữa. Khó nhất là tâm thế bị nhìn nhận là “người đến sau”. Bởi, thời điểm năm 1995, ASEAN ra đời đã được đến 28 năm và đã có 6 thành viên (trong đó 5 thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore từ năm 1967 và Brunei được kết nạp năm 1984).

Không chỉ là chuyện “đến sau”, khó khăn, trở ngại còn bộn bề bởi những chênh lệch và khác biệt. Nền kinh tế của các nước thành viên trong khối thời điểm đó cũng đã có sự phát triển nhất định trong khi Việt Nam mới chập chững những bước đi đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước, “vòng kim cô” của những chính sách bao vây cấm vận cũng chỉ vừa được dỡ bỏ, nền kinh tế vẫn chưa thực sự hết bao cấp và lạc hậu… Rồi bởi là một nước từng nhiều năm tháng bộn bề bởi chiến tranh, trải nghiệm, cơ hội được cọ xát của những người làm ngoại giao Việt Nam chưa phải được nhiều… rồi không ít những rào cản về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo…

Thế nhưng, Việt Nam- mảnh đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”- chưa bao giờ né tránh, hay chùn bước trước những khó khăn thách thức. Ngay sau khi trở thành thành viên thứ 7 trong “ngôi nhà chung ASEAN”, Việt Nam đã bắt tay ngay vào hành trình với đích tới là một thành viên có trách nhiệm, có vị thế trong Hiệp hội. 

Hành trình ấy đến nay vừa tròn 1/4 thế kỷ. Trong quãng thời gian không quá dài nếu so với một tiến trình lịch sử, đất nước hình chữ S đã khiến bạn bè trong khu vực và trên thế giới đi từ sự ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. “Ít ai có thể hình dung được một Việt Nam đã từng trăn trở với suy nghĩ “hòa nhập” hay sẽ bị “hòa tan” 20 năm trước đây lại có thể đóng vai trò chủ động, tích cực trong ASEAN như hiện nay”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng chia sẻ. 

Không ngạc nhiên sao được khi chỉ 3 năm sau ngày gia nhập, bất chấp việc sức mạnh của Hiệp hội giảm sút khi khu vực lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 1997, tháng 12/1998, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội với những kết quả quan trọng, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, góp phần định hướng phát triển của Hiệp hội, giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng tài chính khu vực, tăng cường đoàn kết, đưa các quốc gia thành viên xích lại gần nhau, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục vị thế ASEAN và định hướng lại cho sự phát triển cho Hiệp hội.

Hai năm sau, năm 2010, Việt Nam lại một lần nữa được các nước thành viên và đối tác đánh giá cao khi hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN  với những kết quả thực chất, góp phần thúc đẩy “văn hóa thực thi” và cụ thể hóa một bước quaan trọng mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN 2015.

Trong năm Chủ tịch này, Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á; cũng như tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010.

Việt Nam đã thành công trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác với các đối tác lớn và quan trọng của ASEAN như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. 

 Việt Nam cùng với các nước tiếp tục triển khai các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác quan trọng của ASEAN; tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt hàng rào giảm phi thuế quan và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)….

Việt Nam cũng nằm trong nhóm nước đi đầu về việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt tỷ lệ ấn tượng 93,5% so với mức trung bình 90,5% của các nước ASEAN.

Những năm gần đây, trong bối cảnh ASEAN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến sự cạnh tranh của các nước lớn, sự khác biệt trong nhận thức, lợi ích và ứng xử, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất vai trò của ASEAN trong các vấn đề “nóng” nhất trong khu vực, đơn cử như tham gia và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thông qua Tài liệu “Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” giúp hình thành lập trường chung của ASEAN; Cùng với các nước ASEAN tham gia tích cực và xây dựng trong quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.

Việt Nam là “thành viên quý giá” của cộng đồng các nước ASEAN; Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng, đồng thời dẫn dắt các nỗ lực tiếp tục làm phong phú thêm cho chương trình nghị sự và kinh nghiệm của ASEAN- đánh giá ấy của Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại ASEAN Noel Servigon chỉ là một trong rất nhiều những thán phục, khen ngợi mà các nước trong khu vực và thế giới dành tặng cho Việt Nam. 

Có thể nói, nhìn lại hành trình 25 năm đã qua, hoàn toàn có thể tự hào rằng Việt Nam đã thành công khi vượt qua những bỡ ngỡ, khác biệt ban đầu để hội nhập nhanh chóng, trở thành thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, được tin cậy và vì nể. Từ thành công ấy, ngày 4/11/2019, lần thứ ba, Việt Nam vinh dự chính thức tiếp nhận vai trò lãnh đạo của ASEAN trong năm 2020. 

Một hành trình tiếp nối đã lại bắt đầu… trên hành trình ấy, những thách thức, khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt cũng vẫn sẽ không phải là ít. Ngoài việc làm thế nào để tạo được cách thức duy trì sức sống, sức hấp dẫn, động lực của ASEAN trong một chu kỳ vận động mới? Làm sao để củng cố và duy trì vai trò trung tâm ở khu vực và toàn cầu? Làm thế nào để bảo toàn sự đoàn kết đồng lòng của các quốc gia thành viên trong bối cảnh Biển Đông luôn dậy sóng, quan hệ Mỹ- Trung căng như dây đàn?... thì “phép thử Covid-19” là thách thức lớn nhất trong hàng loạt những thách thức mà Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt.

Từ làn sóng lần thứ nhất tới làn sóng thứ hai đang bùng nổ, đe dọa khắp châu Á và thế giới, đại dịch Covid-19 là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Dự báo tăng trưởng của tất cả các nước ASEAN đều suy giảm mạnh, thậm chí một số nước có thể tăng trưởng âm. Không dừng lại ở đó, như cảnh báo của Ahmad Ibrahim Almutaqqi- Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie (Indonesia), đại dịch Covid-19 vốn gây thiệt hại hết sức nặng nề không chỉ với sức khỏe cộng đồng mà còn cả nền kinh tế khu vực. Nếu không được xử lý đúng cách, những tác động tiêu cực này có thể dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội. 

Nhưng như đã nói, lịch sử đã khéo đặt mảnh đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” vào những thử thách chưa từng có. Càng trong khó khăn, thách thức, người Việt, dân tộc Việt càng phải nhắc mình nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, bản lĩnh hơn và xem đó là phép thử để trưởng thành, để khẳng định được mình.

Trước sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy làm đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng có những điều chỉnh cần thiết như linh hoạt tổ chức một loạt hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận cách ứng phó với dịch, đặc biệt là Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN + 3 về đại dịch Covid-19 ngày 14/4; sớm ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch Covid-19; thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” và Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho một thế giới công việc đang đổi thay, trong đó các nước ASEAN cam kết đẩy lùi thách thức của dịch bệnh, duy trì đà hợp tác, liên kết ASEAN; nhắc nhớ các quốc gia thành viên chú trọng đến công tác khắc phục hậu quả, giảm thiểu các tác động kinh tế- xã hội của đại dịch Covid-19, đặc biệt là “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng” đoàn kết, đồng lòng mới có thể đẩy lùi đại dịch… Một cách không hề ngờ tới là chủ đề dẫn dắt của năm Chủ tịch ASEAN 2020 mà Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và chủ động thích ứng” lại trở nên đầy ý nghĩa. 

Trong thử thách như đại dịch Covid-19, một Chủ tịch ASEAN đầy trách nhiệm đã được Việt Nam thể hiện qua hàng loạt động thái kịp thời như hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế… đến các nước; chia sẻ với bạn bè thế giới kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19… 

Việt Nam ghi dấu ấn đậm nét trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong phòng, chống đại dịch Covid-19”, “Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức của đại dịch Covid-19 nếu các nước trong khu vực hợp tác cùng nhau, đoàn kết và kiên cường” - nhìn nhận ấy của bạn bè quốc tế có lẽ là sự tưởng thưởng lớn nhất cho những nỗ lực bền bỉ, quyết liệt của Việt Nam. Chúng cho thấy, một lần nữa, “vàng mười đã qua thử lửa”… 

Hành trình hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập ASEAN hẳn còn nhiều chông gai, thách thức… nhưng, bởi “lửa đã được thử vàng”, hoàn toàn có thể tin rằng dấu ấn Việt Nam sẽ còn đậm nét trên khu vực cũng như toàn thế giới. 

Tin khác

Doanh nghiệp Việt với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Để không bỏ lỡ “cơ hội trăm năm”

Doanh nghiệp Việt với Dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Để không bỏ lỡ “cơ hội trăm năm”

(NB&CL) Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam được chính các doanh nghiệp Việt thừa nhận là “cơ hội trăm năm”. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội này, lại là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần phải rất bền gan vững chí để vượt qua.

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

Luật Nhà giáo: Đường băng mới cho giáo dục Việt Nam cất cánh

(NB&CL) Với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và kiến tạo hành lang pháp lý đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.

Sửa Luật Quảng cáo: Sẽ làm sạch quảng cáo trên không gian mạng?

Sửa Luật Quảng cáo: Sẽ làm sạch quảng cáo trên không gian mạng?

(NB&CL) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được các Đại biểu quan tâm bàn thảo trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đem đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi không ít quy định nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đã được đề xuất. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung quy định về: quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn một số quy định chưa thể giải quyết được thực tế vi phạm phát sinh hiện nay của hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!

Tinh gọn bộ máy: Cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực!

(NB&CL) Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học. Các chuyên gia cho rằng, sắp xếp, tinh giản bộ máy có vai trò quan trọng trong việc giảm sự tốn kém về tiền lương và tạo ra một hệ thống trả lương hiệu quả. Tranh luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn, nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

Già hóa dân số: Cần ngay chính sách thích ứng hiệu quả

(NB&CL) Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù già hóa dân số là hệ quả tất yếu của việc mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên, nếu không có ngay những chính sách thích ứng hiệu quả mang tầm quốc gia, thì những hệ luỵ của việc già hoá dân số là không thể lường hết được. Trên Diễn đàn Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XV vừa qua, đã có ý kiến về việc từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế, xem đây là vấn đề mang tính chất chiến lược.

Cú sốc Temu và sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

Cú sốc Temu và sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt

(NB&CL) Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cơn lốc Temu đang phơi bày rõ thế khó trập trùng của hàng Việt, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nội địa.