Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng (ngồi giữa) phát biểu tại Hội thảo “Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 - 2030”.
+ Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về tác động của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam trong 30 năm qua? - Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới với chủ trương mở cửa hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta, là khu vực phát triển năng động nhất và ngày càng có nhiều đóng góp lớn đối với sự phát triển KT-XH của Việt Nam. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực thời gian qua. Có thể khái quát một số thành tựu cơ bản của FDI như sau:
Về vốn: FDI tạo ra phương thức hay còn gọi là kênh thu hút đầu tư mới để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời khơi dậy và phát huy hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước. Hiện FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp trong GDP khoảng 20%.
FDI cũng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực CN chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông, thép, xi măng… Bên cạnh đó, FDI còn góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu của các ngành, lĩnh vực theo hướng tích cực và cạnh tranh hơn. FDI kiến tạo một số lĩnh vực công nghiệp hoàn toàn mới tại Việt Nam như điện tử, thiết bị di động...
Về xuất khẩu, năm 2017, FDI chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đóng góp hơn 8 tỷ USD vào nguồn thu NSNN, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách.
FDI cũng tạo ra nhiều việc làm cho xã hội với khoảng 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5 triệu lao động gián tiếp. Phần lớn lao động được đào tạo và tiếp thu những trình độ công nghệ quản lý tiên tiến, thay đổi tác phong làm việc chuyên nghiệp của người lao động Việt Nam; một bộ phận có trình độ, năng lực cao có thể thay thế chuyên gia nước ngoài.
Về công nghệ, FDI nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, còn tạo sức ép về cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
FDI cũng góp phần cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, tạo ra thế và lực mới, cũng như tầm vóc và vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
+ Thời gian qua, đã có tình trạng nhiều địa phương “trải thảm đỏ” để thu hút FDI, dẫn đến cạnh tranh, “hào phóng một cách lãng phí”. Theo Thứ trưởng, đây có phải là một vấn đề cần khắc phục?
- Từ năm 2005, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi đầu tư tương tự như doanh nghiệp trong nước, không có sự phân biệt các thành phần kinh tế, trừ những dự án FDI đã được cấp phép trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực thì vẫn được tiếp tục áp dụng các ưu đãi quy định tại Giấy phép đầu tư đã cấp theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, ngoài các ưu đãi được áp dụng chung như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có lợi thế hơn doanh nghiệp FDI trên nhiều phương diện: tiếp cận các nguồn lực (đất đai, hỗ trợ tín dụng…); đào tạo, phát triển nhân lực; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường... Trong khi đó, doanh nghiệp FDI không có sự dễ dàng tương tự trong việc tiếp cận được các nguồn lực và sự hỗ trợ này.
Như vậy, về mặt pháp lý, hiện nay không có sự phân biệt về ưu đãi đầu tư giữa ĐTNN và đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương, các nhà ĐTNN với những dự án lớn, có tác động mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội đã nhận được sự quan tâm hơn từ chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện. Sự quan tâm này chủ yếu là những hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho nhà ĐTNN trong các thủ tục cấp phép, giao đất, cho thuê đất...
Tất nhiên, không loại trừ một số doanh nghiệp ĐTNN lợi dụng chính sách hỗ trợ của địa phương để nâng khống số vốn, nhưng sau đó chây ì không triển khai hoặc giữ đất để chuyển nhượng dự án. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những văn bản hướng dẫn, yêu cầu thu hồi, chấm dứt hoạt động của các dự án chậm triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
+ Một số chuyên gia cho rằng, hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với các lĩnh vực của nền kinh tế hiện chưa được như kỳ vọng. Chúng ta cần làm gì để đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam?
- Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, chỉ khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có khách hàng là doanh nghiệp FDI, 26,6% đầu vào của doanh nghiệp FDI là từ doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, mối quan hệ liên kết còn chưa thực sự chặt chẽ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn bất cập, chưa đủ và chưa trúng. Khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng của Việt Nam còn hạn chế, chưa có nhiều công nghệ, sáng chế mới, cạnh tranh để hỗ trợ DN Việt Nam. Doanh nghiệp FDI thường hợp tác theo chuỗi, theo hệ thống, mạng lưới riêng của họ và chịu sự ảnh hưởng hay chi phối bởi công ty mẹ ở nước ngoài và trình độ công nghệ, quản lý, quy mô sản xuất, giá thành sản phẩm… còn chênh lệch giữa 2 khu vực.
Giải pháp khắc phục là điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng phát triển bền vững, liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ là một tiêu chí quan trọng. Thu hút có chọn lọc, ưu tiên nhà đầu tư có chiến lược đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị. Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, phát minh sáng chế của cả nước ngoài và tư nhân. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp: đất đai, vốn, điều kiện nguồn nhân lực, thông tin thị trường. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành theo hướng thu hút các nhà đầu tư lớn làm hạt nhân tạo sự lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển và đủ năng lực để dần tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp này.
+ Vừa qua, nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới có đưa ra các khuyến nghị rằng Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, vậy theo Thứ trưởng, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược như vậy? Và định hướng thu hút FDI chất lượng cao trong giai đoạn tới sẽ là gì, thưa Thứ trưởng?
- Có thể nói, Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút FDI thời gian qua nhưng điều quan trọng, Việt Nam cần phải sớm có chiến lược mới về thu hút FDI, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này, khắc phục những bất cập đang tồn tại và duy trì sự đóng góp quan trọng của FDI trong tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu thu hút FDI giai đoạn trước đây là thu hút vốn, việc làm, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, xuất khẩu hàng hóa, thu ngoại tệ. Nhưng trong giai đoạn tới, trước các cơ hội về kết quả thành tựu 30 năm đổi mới đất nước, các FTA thế hệ mới, cấu trúc lại chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuyển dịch FDI toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0... đòi hỏi phải điều chỉnh chính sách, theo đó, phải có tầm nhìn chiến lược để thu hút phục vụ phát triển đất nước theo mục tiêu, định hướng mới. Cụ thể là tập trung thu hút công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao; sử dụng ít lao động, ít tài nguyên, năng lượng hơn.
Ngoài ra, cần thu hút dự án có quy mô lớn, tập đoàn xuyên quốc gia nhằm thúc đẩy công nghệ hỗ trợ VN, tạo điều kiện phát triển và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường sự liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó chúng ta cần chuyển dần từ lợi thế sử dụng nhân công giá rẻ sang cạnh tranh bằng nhân lực chất lượng cao. Về cụ thể, một số lĩnh vực cần được ưu tiên như: Công nghiệp hỗ trợ, Sinh học, Tài chính Ngân hàng, Năng lượng tái tạo, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp và chế biến thực phẩm, Phát triển hạ tầng, Giáo dục và đào tạo, Y dược...
+ Xin cảm ơn Thứ trưởng!
T. Toàn
(Thực hiện)