Kinh tế vĩ mô

Việt Nam có nhiều thế mạnh thu hút và giữ chân vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo

Việt Vũ 15/04/2025 22:00

(CLO) Việt Nam có những yếu tố quan trọng, tiềm năng và thế mạnh để thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo như bối cảnh kinh tế chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tại buổi công bố thông tin Diễn đàn đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) diễn ra vào chiều 15/4, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) cho biết: Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong các cuộc họp, hội nghị của Bộ Chính trị, Tổng Bí Thư Tô Lâm thường xuyên nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Để thực hiện hóa được định hướng này, một trong những yếu tố mang tính quyết định là thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư tư nhân.

Toàn cảnh họp báo. (Ảnh: NIC)
Toàn cảnh họp báo. (Ảnh: NIC)

Theo Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, gần 100 quỹ đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, với tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước.

So với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm nhẹ 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn”, ông Huy cho biết.

“Để thu hút đầu tư cho Đổi mới sáng tạo, NIC giúp các công ty khởi nghiệp thiết lập quan hệ với một mạng lưới các nhà đầu tư đa dạng trong nước và quốc tế thông qua các chương trình đa dạng, sự kiện, và quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm”, ông Huy nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, một số quan điểm lo ngại, hiện nay thế giới đang đứng trước cuộc chiến thương mại toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng tới quyết định rót đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vinnie Lauria, Thành viên Hội đồng Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân (VPCA), Nhà sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo vào Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại toàn cầu.

Ông Vinnie Lauria đánh giá, Việt Nam có sức hút lớn trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ năng lượng.

Ông Vinnie Lauria, Thành viên Hội đồng Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân (VPCA), Nhà sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures. (Ảnh: NIC)
Ông Vinnie Lauria, Thành viên Hội đồng Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân (VPCA), Nhà sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures. (Ảnh: NIC)

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng căng thẳng thương mại, Việt Nam còn được hưởng lợi, khoảng 100 - 1.000 công ty khởi nghiệp (start-up) của Việt Nam sẽ nổi lên trong giai đoạn này.

“Đối với chúng tôi cam kết dành 1/3, trong 100 triệu USD tổng vốn đầu tư, tương đương 33 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn dẫn hấp dẫn”, ông Vinnie Lauria nói.

Ngoài những lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu, một yếu tố khác cũng khiến nhiều người thắc mắc, đó là việc Mỹ dự tính áp thuế đối ứng cao đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với quốc gia này, trong đó có Việt Nam. Với mức thuế trước đây dự kiến là 46%, có thể ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Vinnie Lauria không quá lo ngại về vấn đề này. Ông cho rằng, những chính sách thuế quan của Mỹ có thể mang tính cục bộ, khó duy trì lâu dài.

Trong khi đó, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết Việt Nam có những yếu tố quan trọng, tiềm năng và thế mạnh để thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo như bối cảnh kinh tế chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Chính phủ đang tập trung vào phát triển nhân lực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghệ chiến lược cũng được Quốc hội, Chính phủ khẩn trương triển khai từ các luật liên quan đến tài chính, hợp tác công tư. Khuôn khổ pháp lý đang được xây dựng để nâng cao tính cạnh tranh của lĩnh vực đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Được biết, VIPC Summit 2025 sẽ có các phiên thảo luận về tầm nhìn, chính sách và định hướng chiến lược của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư tư nhân, tọa đàm chuyên sâu với sự tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chuyên gia quốc tế về chiến lược mở rộng quy mô doanh nghiệp và gọi vốn thành công, giải pháp thúc đẩy IPO, M&A và các hình thức thoái vốn hiệu quả, hệ sinh thái dòng giao lưu, kết nối đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước...

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ công bố Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2025. Điểm mới của năm nay có kết nối với các quỹ đầu tư tư nhân.

Diễn đàn năm nay là sự kiện lớn nhất từ trước tới nay với hơn 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có hơn 200 nhà đầu tư đến từ khắp châu Á, khu vực Vùng Vịnh và châu Âu, bao gồm các lãnh đạo cấp cao đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, Manulife, Nasdaq và Partech Ventures (Thung lũng Silicon).

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt Nam có nhiều thế mạnh thu hút và giữ chân vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO