Việt Nam có thể phải trả tới 300 USD cho mỗi tấn carbon
(CLO) Tín chỉ carbon từ nông lâm nghiệp hiện chỉ được giao dịch trên thị trường quốc tế với giá khoảng 1-1,6 USD mỗi tấn. Nếu bán tín chỉ giá rẻ nhưng không thực hiện được cam kết giảm phát thải, Việt Nam có thể phải chi tới 300 USD cho mỗi tấn carbon.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam phải triển khai hàng loạt biện pháp trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng, đồng thời đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, việc thực hiện cam kết Net Zero không chỉ nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính. Nếu có hỗ trợ quốc tế, mức giảm có thể tăng lên 43,5%, tương đương còn 45 triệu tấn CO₂ phát thải. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cam kết này, theo các chuyên gia, cần có giải pháp tài chính cụ thể, trong đó thị trường carbon được xem là công cụ then chốt.
Theo TS. Tuấn Quang - Phó cục trưởng Cục Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, có hai hướng tiếp cận chính thị trường carbon. Một là thuế carbon, hai là thị trường carbon, gồm cả thị trường tuân thủ và thị trường bù trừ.
Để vận hành hiệu quả, thị trường này đòi hỏi nguồn lực tài chính xanh dồi dào. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế do năng lực nội tại về công nghệ, nhân lực và khả năng hấp thụ vốn chưa đáp ứng yêu cầu.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự chênh lệch giữa chi phí thực tế để giảm phát thải và giá bán tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực năng lượng, chi phí cận biên để giảm phát thải một tấn CO₂ hiện vào khoảng 150 USD. Điều này đồng nghĩa, nếu Việt Nam bán tín chỉ carbon với mức giá thấp hơn ngưỡng này, thì về nguyên tắc Nhà nước sẽ phải bù đắp phần chênh lệch bằng chi phí thực để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ cắt giảm khí nhà kính.

Còn trong lĩnh vực nông nghiệp – nơi được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc tạo ra tín chỉ carbon, chi phí cận biên để giảm một tấn CO₂ có thể lên tới 300 USD. Tuy nhiên, tín chỉ carbon từ nông lâm nghiệp hiện chỉ được giao dịch trên thị trường quốc tế với mức giá dao động từ 1 - 1,6 USD mỗi tấn. Nếu Việt Nam tiếp tục bán tín chỉ ở mức giá rẻ như vậy nhưng không đảm bảo cắt giảm thực chất lượng phát thải, hệ quả là có thể phải chi trả tới 300 USD cho mỗi tấn CO₂ để bù đắp phần nghĩa vụ chưa hoàn thành.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát chỉ cho các ngành đang cần thực hiện nghĩa vụ phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cần thiết, phấn đấu vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào cuối năm 2025.
Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon. Theo đó, sàn giao dịch này sẽ tập trung quản lý và giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn trong nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như quy định tại Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris, cùng các cơ chế độc lập như Vera, Gold Standard. Tất cả các tín chỉ này sẽ phải được đăng ký trên hệ thống thống nhất, bảo đảm quản lý tập trung và minh bạch.