Việt Nam đã đúng khi từ bỏ “zero COVID”
(CLO) Ông Patrick Lenain, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế khẳng định: Việt Nam đã đúng khi từ bỏ “zero COVID”, điều này đã tạo tiền đề cho kinh tế hồi phục và phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hôm nay (5/12), ông Patrick Lenain, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đánh giá: Nhìn chung, Việt Nam đã kiểm soát cuộc khủng hoảng COVID tốt hơn nhiều nước khác.
Vào năm 2020, khi đại dịch bùng phát, chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh, bằng việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp y tế, kết hợp xét nghiệm, truy vết và cách ly. Nhờ những nỗ lực này, Việt Nam hầu như đã khống chế được dịch bệnh trong năm 2020, với số ca mắc và tử vong thấp. Và Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP dương là 2,9 % vào năm 2020, một trong những mức cao nhất trên thế giới.

Ông Patrick Lenain, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc duy trì chiến lược “zero COVID” không thể kéo dài mãi. Điều này đòi hỏi phải đóng cửa hoàn toàn biên giới, và đưa ra các hạn chế thường xuyên, gây gián đoạn phát triển kinh tế, với những tác động tiêu cực lâu dài. Australia, New Zealand, Singapore cuối cùng đã từ bỏ chính sách “zero COVID” và Việt Nam đã đúng khi làm điều tương tự.
Vì vậy, ông Patrick Lenain kiến nghị Việt Nam ưu tiên cho 3 phải pháp, liên quan tới việc phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Thứ nhất, điều cần thiết là phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất cao, càng sớm càng tốt, bao gồm cả việc triển khai tiêm mũi nhắc lại vacxin phòng covid-19. Mua vắc xin thôi chưa đủ, việc phối hợp tốt để phân phối, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, thuyết phục những người còn lưỡng lự đi tiêm chủng, cũng là điều cần thiết.
Tại Hàn Quốc, ngoài các cơ sở công lập, các phòng khám y tế tư nhân cũng cung cấp dịch vụ tiêm chủng tại các cơ sở của họ. Ở nhiều quốc gia, những người chưa tiêm chủng phải chịu các hạn chế - ví dụ như ở Áo và Đức, họ phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được đi máy bay, đi tàu hoặc đến nhà hàng, trong khi những người tiêm chủng đầy đủ được miễn các hạn chế này.
Thứ hai, các giải pháp hỗ trợ kinh tế vĩ mô cần phải mạnh mẽ và nhanh chóng. So với các nền kinh tế phát triển, việc triển khai các gói hỗ trợ chính sách còn ít và bị trì hoãn ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Điều này dẫn đến sự phục hồi kinh tế thất bại, có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng dài hạn.
Nếu không nhận được đủ sự hỗ trợ, nhiều công ty sẽ phá sản, các kế hoạch đầu tư không được triển khai, công nhân mất việc làm, trẻ em không được đến trường. Trong khi đó, các nền kinh tế thị trường mới nổi triển khai các gói hỗ trợ lớn đã vận hành rất tốt.
“Kể từ khi đại dịch bùng phát, Malaysia đã hai lần nâng trần nợ công, từ 55% GDP lên 65% GDP. Malaysia đã tung ra các gói cứu trợ khổng lồ, có quy mô lên tới hơn 35% GDP, giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển”, ông Patrick Lenain nói.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021.
Thứ ba, chi tiêu công nhiều hơn sẽ đồng nghĩa với việc nợ nhiều hơn, vì vậy việc lựa chọn các chương trình chi tiêu tốt là điều cần thiết. Hầu hết các chính phủ đều đang tìm cách xây dựng lại tốt đẹp hơn sau đại dịch - nói cách khác, họ muốn đầu tư cho tương lai.
Ví dụ, điều này có nghĩa là tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng số, để tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với các công nghệ như thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Đầu tư công cũng phải tính tới vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải carbon, ví dụ như tạo ra nhiều điện năng hơn từ các tuabin gió, các tấm pin mặt trời, khí sinh học và sinh khối, thay vì điện than.
Đầu tư vào giáo dục và phát triển kỹ năng cũng là điều cần thiết: sau đại dịch, chúng ta sẽ không trở lại với những công việc như cũ: Việt Nam sẽ cần ngày càng nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe được trả lương tốt hơn, nhiều chuyên gia kỹ thuật số hơn và nhiều chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng hơn.
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khó khăn hơn, do các nền kinh tế phát triển đang cố gắng mang dây chuyền sản xuất và việc làm trở lại đất nước của họ, vì vậy, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Nói tóm lại, Việt Nam có tiềm năng kinh tế rất lớn. Trước đại dịch, thành tựu kinh tế của Việt Nam rất nổi bật, với mức tăng trưởng GDP trung bình gần 7% mỗi năm. Đây là con số rất là cao. Với những cải cách chính sách đúng đắn, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được sự thịnh vượng về kinh tế trong tương lai gần”, ông Patrick Lenain chia sẻ thêm.