Thông tin từ Bộ Tài chính vừa cung cấp trong cuộc họp báo chiều 3/6/2015 cho biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do ( FTA) song phương và đa phương. Trong đó, có hai hiệp định mới ký kết là FTA Việt Nam – Hàn Quốc ( VKFTA) và FTA Việt Nam – Liên minh hải quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (VCUFTA). Các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là thông qua Hiệp định giữa ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN. Do vậy, quá trình tham gia của Việt Nam trong đàm phán được hình thành dựa trên sự đồng thuận của ASEAN nên mức độ cam kết của ASEAN có sự dung hòa với các nước có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN.
[caption id="attachment_18647" align="aligncenter" width="2560"]
FTA mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam.[/caption]
Đến giai đoạn hiện nay, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế về việc chủ động tích cực hội nhập, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các Hiệp định thương mại song phương như FTA với Chi lê, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh hải quan. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán và tiến tới ký kết 4 hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác. Đó là, Hiệp định Việt Nam - EU; Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ( RCEP) và Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). So với các hiệp định thương mại đã ký kết, thì TPP với mức cam kết sâu rộng hơn, lên đến 100% số dòng thuế với lộ trình khác nhau.
Cam kết về mở cửa thị trường là một trong các nội dung quan trọng trong hầu hết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Trong các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) là hiệp định nội khối với mức độ cam kết tự do hóa gần 100%. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA khác dự kiến đạt khoảng 90% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA. FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA vào năm 2018, tiếp đó là ACFTA ( 2020) và AKFTA ( 2021). Các mặt hàng Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các FTA , chiếm khoảng 5 – 7% số dòng thuế bao gồm: Thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện, phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan ( đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, thuốc nổ…).
Để triển khai cam kết trong các FTA, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong giai đoạn 2015 – 2018. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do quốc tế mở ra nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng là thách thức lớn với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Thiên Kim