Việt Nam gia nhập APEC - 20 năm, những dấu mốc ấn tượng
(NB&CL) Ngày 14/11/2018 là tròn 20 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). 20 năm chưa phải là quãng thời gian quá dài, nhưng đất nước hình chữ S đã kịp để lại những dấu mốc ấn tượng trên hành trình gia nhập và chứng tỏ vị thế của mình tại Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới này.
Từ lá đơn lịch sử 22 năm trước
Năm 1996 - sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế - xã hội không ngừng được ổn định và phát triển. Từ thực tiễn đó, tại Đại hội VIII năm 1996, Đảng ta nhận định: nước ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Trước đó, tháng 7/1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tháng 3/1996, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) gồm 10 nước châu Á và 15 nước châu Âu với tư cách thành viên sáng lập. Chỉ còn một thiết chế quan trọng nữa mà Việt Nam xác định cần phải tham gia đó là APEC.
Rồi cũng đến một ngày những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng. Ngày 14/11/1998, tại Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại giao - Kinh tế, APEC đã tuyên bố kết nạp Việt Nam, Nga và Peru. Theo hồi ức của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philipines Trương Triều Dương, một trong những người thuộc nhóm viết đề án về việc “Việt Nam gia nhập APEC” thì khi APEC công bố kết nạp thêm Nga, Việt Nam, Peru thì quốc tế đều bất ngờ vì Việt Nam mới chỉ là quan sát viên mới chỉ được một năm.
Từ thời điểm lịch sử ấy cho đến nay, việc trở thành thành viên chính thức của APEC đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi thế. Tham gia APEC góp phần quan trọng vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của nước ta và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ. Các hội nghị do APEC tổ chức hằng năm là dịp để nước ta thúc đẩy các cuộc tiếp xúc song phương ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, với các đối tác then chốt. Đến nay, trong tổng số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, có 13 đối tác là thành viên APEC. Nước ta đang hình thành mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên với 18 trong tổng số 20 thành viên APEC (trừ Papua New Guinea và Đài Bắc - Trung Quốc).
Bên cạnh đó, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia hợp tác APEC đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận tốt hơn khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ của APEC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu,… thiết thực góp phần vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Việc tham gia APEC và tăng cường hợp tác với các nền kinh tế thành viên cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Sự gắn kết kinh tế - thương mại sâu rộng giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm nhiều lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch… với chất lượng và giá cả tốt hơn.
Hợp tác APEC cũng mở ra nhiều cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới…
Đặc biệt, APEC đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa hội nhập kinh tế của Việt Nam lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.
Đến hai lần đăng cai APEC và vị thế Việt NamVới Việt Nam, APEC thực sự như một mối duyên lành. Bởi không chỉ chính thức bước vào “ngôi nhà chung” APEC một cách hết sức mau mắn, mà chỉ 8 năm sau khi gia nhập APEC, năm 2006, Việt Nam đã lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ nhà APEC. Với hơn 100 hoạt động mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC vào giữa tháng 11/2006, Năm APEC 2006 là một sự kiện thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội đã thông qua ba văn kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của APEC gồm: Tuyên bố Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14; Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Bogor; và Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO. Trong đó, kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan do Việt Nam đề xuất là một đóng góp quan trọng, cụ thể hóa các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư; phát triển bền vững; phòng chống dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chống tham nhũng; liên kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC thông qua hợp tác và phát triển du lịch.
Có thể nói, thành công và những dấu ấn của hai lần đăng cai APEC khẳng định đóng góp chủ động, tích cực và hết sức trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 20 năm gia nhập APEC, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định và dần được nâng cao.
Hà Anh