Việt Nam hiện có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay, Việt Nam hiện có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 17 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU, chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc generic.
Tại hội thảo đối thoại chính sách "Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp" do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay, Việt Nam hiện có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 17 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU, chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc generic.
Đến nay Việt Nam sản xuất được 15 loại vaccine, đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 10% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội ban hành đã đề cập đến chính sách ưu tiên cho chuyển giao công nghệ lĩnh vực dược.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho hay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội ban hành đã đề cập đến chính sách ưu tiên cho chuyển giao công nghệ lĩnh vực dược.
Công nghệ sản xuất dược phẩm của Việt Nam mới đạt gần cấp độ 3 trên 4 theo thang đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới. Sản xuất thuốc trong nước mới đáp ứng 70% về số lượng và 46,3% về giá trị, còn khá xa so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu phải nhập khẩu. Công nghiệp dược vẫn tập trung vào sản xuất thuốc generic, chưa chú trọng vào thuốc công nghệ cao hay thuốc phát minh.
Bên cạnh đó năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng đang gặp nhiều hạn chế. Sản phẩm được chuyển giao phần lớn vẫn là các sinh phẩm thông thường, chưa bao gồm nhiều sản phẩm đột phá hay các công nghệ tiên tiến như mRNA, công nghệ tái tổ hợp, hoặc các dạng bào chế công nghệ cao.
Trao đổi của các chuyên gia tại buổi đối thoại này cho thấy, nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn các dự án đầu tư chuyển giao công nghệ đã được đề cập trong các văn bản khác nhau liên quan đến việc cấp giấy đăng ký lưu hành, ưu đãi đầu tư về thuế, vay vốn, đất đai; ưu đãi trong mua thuốc, chính sách giữ giá, giảm giá; chính sách phát triển nhân lực cho chuyển giao công nghệ…
Tuy nhiên thực tế cho thấy kết quả chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược còn khá hạn chế. Tính đến năm 2024, chỉ có tổng số 20 thuốc phát minh thực hiện chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia như AstraZeneca, Servier, Viatris cho Việt Nam, trong đó 3 thuốc được cấp số đăng ký.
Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách mạnh mẽ, cụ thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược thời gian tới, tạo đà phát triển công nghiệp sản xuất thuốc trong nước.