Tổ chức thành công hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2:

Việt Nam là trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, vì hòa bình, ổn định và phát triển

Thứ sáu, 01/03/2019 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai kết thúc mà chưa ra được tuyên bố chung nhưng chắc chắn bạn bè và các đối tác quốc tế không thể quên hình ảnh một VN trên mọi lĩnh vực, từ thành quả phát triển KT-XH, những tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, điểm đến an toàn...

Làm tốt thì tốt hơn là làm nhanh

14 giờ chiều ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump đã chủ trì họp báo tại khách sạn JW Marriott sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung.

Khoảng 200 phóng viên có mặt tại khách sạn Marriott chờ đợi cuộc họp báo sớm hơn hai tiếng so với kế hoạch dự kiến do phái đoàn Mỹ tổ chức.

Mở đầu cuộc họp báo, Tổng thống Donald Trump cảm ơn Chính phủ, người dân Việt Nam vì đã hỗ trợ trong tổ chức cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.

Nói về lý do chưa đạt được một tuyên bố chung, ông Donald Trump cho biết, chưa có gì để ký kết hôm nay. Ông nói: “Họ muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoàn toàn. Chúng tôi không thể làm điều đó”.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông vẫn lạc quan. Ông Trump khẳng định bầu không khí khi ông rời khỏi phòng hội nghị là rất tốt, rất hữu nghị. Các cuộc thảo luận giữa ông với Chủ tịch Kim vẫn “thân thiện” và không ai ra về trong giận dữ. “Chúng tôi vẫn yêu quý nhau, chúng tôi có một mối quan hệ tốt”, ông nói.

“Chúng tôi chưa từ bỏ bất kỳ điều gì”. Tổng thống Trump nói và cho biết thêm: “Tôi có thể ký thứ gì đó hôm nay, nhưng làm điều đúng đắn thì tốt hơn là làm nhanh”.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un

Khi phóng viên hỏi về việc làm thế nào để vượt qua khoảng cách giữa 2 nước trong vấn đề các lệnh trừng phạt, ông Trump cho rằng Mỹ rất hiểu Triều Tiên và đến một lúc nào đó 2 bên sẽ tìm được cách vượt qua những khác biệt này.

Tổng thống Trump cũng cho biết Chủ tịch Kim Jong-un cam kết không thử tên lửa, hạt nhân trong tương lai. “Tôi tin tưởng ông ấy, tôi tin vào lời nói của ông ấy, tôi hy vọng đó là thật” - Tổng thống Mỹ nói về lời hứa không thử vũ khí hạt nhân của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Về “vướng mắc” lớn nhất khiến Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được liên quan đến các lệnh trừng phạt, Tổng thống Donald Trump cho biết ông muốn chứng kiến các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên được dỡ bỏ trong tương lai.

“Tôi rất mong muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vì quốc gia đó có nhiều tiềm năng để phát triển”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Khi được hỏi về việc bao giờ ông sẽ gặp lại Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump đáp: “Có thể sớm thôi, không quá lâu. Tôi hy vọng nó sẽ diễn ra sớm”.

Vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam đã được khẳng định

Với sự chuẩn bị chu đáo cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai trong thời gian qua, từ khâu lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, truyền thông… Việt Nam đã thể hiện cho thế giới thấy được vai trò, vị thế, uy tín của mình trong cộng đồng quốc tế.

Mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai kết thúc mà chưa ra được tuyên bố chung nhưng chắc chắn bạn bè và các đối tác quốc tế không thể quên hình ảnh một Việt Nam trên mọi lĩnh vực, từ thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, điểm đến an toàn, người dân thân thiện, mến khách.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, thể hiện lòng tin đối với Việt Nam, qua đó thấy được vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đối với các đối tác.

Thủ tướng khẳng định, khi luôn là thành viên có trách nhiệm, tận tâm, tận lực với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều vấn đề quốc tế, hội nghị quốc tế lớn của khu vực và toàn cầu trong tương lai.

Với sự kiện Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, nhiều chính khách, chuyên gia nổi tiếng trên thế giới cũng bày tỏ tin tưởng về vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam đối với các sự kiện lớn của thế giới.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định rằng Việt Nam được lựa chọn để tổ chức cuộc gặp này vì “Việt Nam hiện đang tiến hành chính sách đối ngoại rất có trách nhiệm, là đất nước cởi mở cho hợp tác với tất cả các bên”.

Ông Sergey Lavrov đánh giá, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác, hòa bình và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, cùng phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” mà Đảng và Nhà nước Việt Nam triển khai những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công. Cộng đồng quốc tế đã và đang ghi nhận những đóng góp đáng kể của Việt Nam vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Tiến sĩ Jan Hornat - chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, Viện Quan hệ quốc tế Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc cũng nhận định, đối với Việt Nam, hội nghị này giúp nâng cao đáng kể hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo ông Jan Hornat, các nước đều mong muốn có cơ hội được đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Do đó, việc tổ chức hội nghị tại Hà Nội mang lại ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế và chiến lược đối với Việt Nam. Sự kiện này cho thấy hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng tầm, đồng thời chứng tỏ vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực - ông Jan Hornat nhận định.

Cùng chung quan điểm, ông Beni Sukadis - chuyên gia, Điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) cũng nhận xét, việc được lựa chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng là cơ hội lớn đối với Việt Nam, khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam đang ngày càng lên cao. Việt Nam hiện có vị trí quan trọng đối với Mỹ ở khu vực, hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng và đây cũng chính là lý do Mỹ chọn Việt Nam. Trong khi đó, đối với Triều Tiên, Việt Nam là quốc gia có quan hệ truyền thống. Đặc biệt, Việt Nam thể hiện vai trò trung lập, giữ mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên - ông Beni Sukadis lý giải.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh

Công tác tổ chức bài bản, chuyên nghiệp

Kể từ khi thông tin chính thức về việc Việt Nam được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, chỉ trong vòng hơn 10 ngày, mọi công tác chuẩn bị từ an ninh, hậu cần, lễ tân, truyền thông... đều đã sẵn sàng. Việc hoàn tất một khối lượng công việc lớn trong thời gian rất ngắn đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn, đồng thời cũng cho thấy khả năng và tính chuyên nghiệp của Việt Nam - một đất nước mà trong những năm gần đây đã là điểm đến quen thuộc của nhiều sự kiện quốc tế tầm cỡ.

Chỉ tính riêng về công tác thông tin truyền thông báo chí, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, có hơn 2.600 phóng viên quốc tế từ 218 hãng thông tấn, báo chí quốc tế đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ tới đưa tin về hội nghị, chưa kể hơn 500 phóng viên trong nước. Trung tâm Báo chí bảo đảm điều kiện hoạt động cho ít nhất 4.000 phóng viên, được bảo đảm wifi với tốc độ ít nhất 5MGB/s, quốc tế tối thiểu 3MGB/s.

Về công tác an ninh, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai các công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan, đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh Mỹ và Triều Tiên triển khai các phương án bảo vệ, đưa đón, bảo đảm an ninh cho các đoàn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bộ Y tế đã triển khai các phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, chỉ định các bệnh viện trực cấp cứu 24/24 giờ và bố trí các cơ sở y tế tại các địa điểm thuộc Trung tâm Hội nghị quốc tế... Việc trang trí cờ, hoa, cây xanh, pano quảng bá hình ảnh về Việt Nam, Thủ đô Hà Nội, về Hội nghị đảm bảo rực rỡ, trang trọng theo chủ đề “Thành phố vì hòa bình”, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội với bạn bè quốc tế.

Có thể nói, kể từ khi gia nhập Liên Hợp quốc năm 1977, Việt Nam đã từng bước tham gia tích cực và đóng góp ngày càng thiết thực vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định quốc tế và thúc đẩy phát triển bền vững. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, hình ảnh của Việt Nam gắn liền với việc chủ động đề xuất sáng kiến xây dựng, chung tay định hình luật chơi chung, đồng thời giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt trong việc giải quyết nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Thành công của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 ở Đà Nẵng chẳng những đã làm nổi bật vai trò của Việt Nam đối với một sự kiện mang tầm vóc toàn cầu, mà còn thể hiện khả năng tổ chức và sự chủ động của Việt Nam. Giới học giả Mỹ và quốc tế cho rằng chính ấn tượng mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam an ninh, thanh bình, hiếu khách và yêu chuộng hòa bình đã góp phần để Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nhiều nhà quan sát quốc tế cũng có chung nhận định rằng, thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã, đang và sẽ là trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển. Việc tổ chức thành công hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên cho thấy thành phố Hà Nội xứng đáng là thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh như một biểu tượng của hòa bình. Một lần nữa, Việt Nam đã khẳng định vị thế và vai trò của một đất nước luôn là đối tác tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thế Vũ - Ðắc Nguyên

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức