(Congluan.vn) - Rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là vấn đề khiến cả thế giới đau đầu. Theo thống kê của Qũy tiền tệ quốc tế - IMF, số tiền tội phạm "rửa" hàng năm khoảng 1.000-1.500 tỉ USD, trong đó 70% là tiền mặt. Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong sách đen về rửa tiền.
Cần đọc thêm:
Khổ sở vì "sức hút" lớn
Sau khi Việt Nam ra nhập WTO, hệ thống tài chính của Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang phải đối mặt với các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và mang tầm quốc tế.
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam "quyến rũ" nhiều tội phạm rửa tiền là bởi nền kinh tế Việt chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt. Thêm nữa, lượng kiều hối về nước rất đáng kể. Cụ thể, Việt Nam là một trong chín nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất thế giới (10,5 tỉ USD năm 2012, 11 tỉ USD năm 2013).
Với những đặc điểm hấp dẫn tội phạm rửa tiền đó, ngay cả khi Việt Nam gia nhập nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) năm 2007, vẫn bị Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền - FATF liệt vào "sách đen". Năm 2008, theo khuyến nghị của FATF, APG đã tiến hành đánh giá cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam. Đến tháng 6/2012, Việt Nam tiếp tục bị lọt vào danh sách các quốc gia thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố, không thực hiện đúng các cam kết với FATF. Việc nước ta vẫn nằm trong danh sách đen về rửa tiền đã khiến nền kinh tế Việt Nam gặp không ít bất lợi trong các giao dịch tài chính quốc tế cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Thật may, tới tháng 6/2013, FATF đã ghi nhận: Việt Nam đã có những bước tiến trong việc hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, bao gồm cả việc thông qua Luật phòng, chống khủng bố. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều cam kết phải thực hiện...
Vừa mừng vừa lo?
Nhờ những nỗ lực ấy, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách đen của FATF cuối năm 2013 vừa qua, không còn lại đối tượng bị FATF giám sát về tính tuân thủ toàn cầu về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính đến 30/11/2013, Cục Phòng, chống rửa tiền đã nhận được khoảng gần 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ, 16 triệu báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (CTR) do các NH và Cty tài chính gửi đến và đã tiến hành phân tích, xử lý kỹ lưỡng. Qua đó, NHNN đã cung cấp các báo cáo cho cơ quan an ninh kịp thời xác minh, triệt phá thành công một số đường dây rửa tiền thông qua các NHTM tại Việt Nam.
Hiện tại, các định chế tài chính ở Việt Nam trên cơ sở Luật phòng chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khá cụ thể, các hình thức rửa tiền của tội phạm đã có các "bộ lọc" tương đối hữu hiệu, được quốc tế ghi nhận. Việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mang lại sự "minh bạch" về tài chính Việt. Tuy nhiên, cái "mừng" chưa thấy rõ (vốn đầu tư nước ngoài khó tăng mạnh do tình hình kinh tế thế giới khó khăn), nhưng cái "lo" thì rất hiện hữu.
Bởi Việt Nam là một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, là nguồn lực rất lớn và quan trọng đối với nền kinh tế nội địa luôn cần và thiếu. Việc áp dụng các giải pháp chống rửa tiền, thắt chặt an ninh tài chính sẽ có thể khiến nguồn kiều hối về ít đi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trong thời đại toàn cầu hóa, các nền kinh tế liên quan chặt chẽ với nhau thì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Cái cần làm bây giờ là làm sao đơn giản hóa, hiện đại hóa các thủ tục quản lý, kiểm soát để công tác này nhanh, chính xác, an toàn, không làm ảnh hưởng tới các nguồn tiền "sạch".
Tuyết Nhung