Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao vaccine
(CLO) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để hỗ trợ phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9/12, đề cập định hướng của ngoại giao vaccine trong thời gian tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, với nỗ lực và vận động quyết liệt, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao, tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 150 triệu liều vaccine COVID-19, có thể nói là đảm bảo nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 150 triệu liều vaccine COVID-19
Theo bà Hằng, hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, giúp làm giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng mới như hiện nay, công tác ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ tiêm chủng trong năm 2022, tiếp cận nguồn vaccine tiềm năng dành cho trẻ em, hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo nguồn mua và hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị trong nước.
Bên cạnh đó, công tác ngoại giao vaccine cũng được đẩy mạnh để tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế, hỗ trợ trang thiết bị y tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam.
Về công tác triển khai “hộ chiếu vaccine”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao hiện đang rất tích cực trao đổi với khoảng 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine ". Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng khẩn trương hoàn tất các giải pháp phần mềm để sớm ban hành mẫu "hộ chiếu vaccine" theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến đầu tháng 12/2021, có một số đối tác, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Belarus đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine. Ấn Độ, Canada cũng đã nhất trí về mặt nguyên tắc. Một số đối tác khác, trong đó có các nước ASEAN, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều xem xét tích cực và chờ phía Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu "hộ chiếu vaccine" thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.
Về phía Việt Nam, tính đến ngày 8/12, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu "Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine" của 78 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.
Đây là cơ sở để người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Thế Vũ