Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hằng năm, có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Việt Nam đứng thứ 4 trong 20 quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải nhựa đại dương với sản lượng trung bình là 0.5 tấn/năm.
Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Chính vì vậy quản lý rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với thế giới, khu vực và Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện chức năng quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để triển khai sáng kiến mà Việt Nam đề xuất tại GEF6, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tích cực, chủ động triển khai tốt những hoạt động liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý rác thải nhựa đại dương cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; định kỳ báo cáo Bộ kết quả thực hiện theo quy định.
Minh Châu