Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị (Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Điều phối Chính sách Kinh tế và Xã hội, ông Tharman Shanmugaratnam, nhấn mạnh sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia để phòng chống bệnh tiểu đường nhằm giảm thiểu chi phí của người dân và an sinh quốc gia. Đặc biệt, các chính phủ cần tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ để tăng cường sự tiếp cận toàn diện trong việc đẩy lùi bệnh tiểu dường, thông qua tuyên truyền hướng tới một cuộc sống lành mạnh cho người dân.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Svetlana Axelrod, cho rằng để tạo hiệu quả bền vững trong phòng chống bệnh tiểu đường đòi hỏi sự hợp tác quốc tế cũng như mỗi quốc gia cần thúc đẩy cải tiến hệ thống chăm sóc y tế hướng tới người dân, trong đó kinh phí của chính phủ sẽ đóng vai trò là cầu nối nhằm đẩy lùi căn bệnh này thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu và xây dựng năng lực của mỗi quốc gia.
Theo thống kê của WHO, các bệnh không lây nhiễm, bao gồm bệnh tiểu đường, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn cầu, chiếm 71% số ca tử vong và hơn một nửa gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Đáng chú ý, ước tính 8,5% dân số trưởng thành trên toàn thế giới (khoảng 422 triệu người) mắc bệnh tiểu đường. Đây là một thách thức không nhỏ đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường hợp tác cũng như chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh áp dụng các phương pháp điều trị mới để ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Việt Nam cũng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong rất lớn của các bệnh không lây nhiễm nói chung và tiểu đường nói riêng.
Tử vong do tiểu đường chiếm tới 4% tổng số ca tử vong toàn quốc. Sau 10 năm, tỷ lệ mắc tiểu đường ở Việt Nam đã tăng gấp đôi và ước tính hiện tại có trên 3 triệu người mắc bệnh này.
Bệnh tiểu đường cũng nằm trong 10 nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở cả nam và nữ giới trong những năm qua. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, đô thị hóa, thay đổi môi trường và lối sống, các yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường đang gia tăng và ở mức cao.
Năm 2018, Việt Nam đã xây dựng Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhằm huy động nguồn lực tập trung cho 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên để nâng cao sức khỏe cho người dân, giải quyết các yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng, vận động thể lực và phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia.
Để tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị tiểu đường lâu dài và liên tục tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin y tế và nâng cao năng lực hành vi của cá nhân trong quản lý, chăm sóc sức khỏe ở cộng đồng với nhiều giải pháp như triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến trong hội chẩn và điều trị; kết nối các trường đại học, tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế; thiết kế và cài đặt các ứng dụng trên điện thoại/mạng di động để theo dõi tình trạng bệnh nhân đái tháo đường...
Việt Nam cũng đã xây dựng cổng thông tin điện tử của Chương trình Sức khỏe Việt Nam (webbase information) để truyền thông nâng cao nhận thức, đồng thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân biết tự đánh giá nguy cơ, dự phòng, phát hiện sớm bệnh và tự chăm sóc sức khỏe.
Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước để chia sẻ thông tin, cập nhật các công nghệ mới, học tập các thực hành tốt nhất trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học hành vi phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung và tiểu đường nói riêng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình dịch bệnh tiểu đường hiện nay cũng như bàn các biện pháp phòng chống bệnh tiểu đường thông qua các môi trường hỗ trợ như tăng cường sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu, thúc đẩy công nghệ và nhận thức hành vi trong phòng chống và điều trị./.
P.V