Việt Nam tìm giải pháp bứt phá trong đầu tư du lịch
(CLO) Ngày 29/10/2024, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam".
Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện ngành du lịch địa phương, nhằm chia sẻ định hướng và giải pháp thu hút đầu tư trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam tiếp tục chuyển mình sau đại dịch.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: TITC
Thúc đẩy đầu tư đa nguồn, ưu tiên đối tác công - tư
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết chính phủ đã tích cực thu hút đầu tư vào ngành du lịch từ nhiều nguồn, gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân trong nước, vốn nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ.
Ông cũng nhấn mạnh thành công của hình thức hợp tác công - tư, nhưng thừa nhận rằng còn nhiều tồn tại, như thiếu chính sách ưu đãi rõ ràng cho nhà đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch.
Hạ tầng giao thông - yếu tố then chốt để bứt phá du lịch
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung, đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thiện mạng lưới 41 tuyến cao tốc và 25 tuyến đường sắt, cùng với 33 cảng hàng không và 36 cảng biển quốc tế, tạo nền tảng phát triển du lịch mạnh mẽ.
Ông Chung đề xuất các địa phương tận dụng nguồn lực đa phương, thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông với sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhau, tạo động lực phát triển du lịch bền vững.
Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế: Gợi ý từ Hàn Quốc

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Du lịch Hàn Quốc Kim Sae Won phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: TITC
TS. Kim Young Jun từ Viện Nghiên cứu Văn hóa Du lịch Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc, các khu phức hợp du lịch phát triển mạnh nhờ chính sách ưu đãi đầu tư và việc thúc đẩy từ cộng đồng địa phương.
Chuyên gia Hàn Quốc kiến nghị Việt Nam xây dựng các nền tảng hợp tác và chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nhằm thu hút vốn tư nhân, tạo sức bật cho các địa phương giàu tiềm năng du lịch.
Khuyến nghị phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, mới mẻ
Hội thảo cũng đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch ẩm thực, halal food, du lịch cưới, nhằm đón đầu xu hướng và nhu cầu mới từ thị trường trong và ngoài nước.
Các chuyên gia đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính sách đầu tư minh bạch và ưu đãi thuế đất để kích thích sự phát triển của du lịch địa phương.
Nhận diện thách thức và giải pháp bền vững cho đầu tư du lịch

Hội thảo khoa học “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam - Ảnh: TITC
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn, đánh giá rằng Việt Nam có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, để tạo động lực bền vững, cần cải cách các thủ tục hành chính, ưu đãi đầu tư, đặc biệt là tại các vùng có tiềm năng nhưng còn thiếu cơ sở hạ tầng.
Ông Tuấn nhấn mạnh: "Việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ chỉ thành công khi Việt Nam xây dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn, chính sách cởi mở và sự sẵn sàng của các địa phương trong việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư".
Hội thảo đã tạo ra cơ hội quan trọng để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ mới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Di Ái