Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ hợp tác phát triển kinh tế trong không gian Pháp ngữ
(CLO) Là thành viên tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và chủ động tham gia các nỗ lực của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế vì sự phồn vinh và phát triển bền vững của các thành viên.
Đó là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ do Bộ Ngoại giao phối hợp với OIF tổ chức sáng 24/3 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, là thành viên tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ và chủ động tham gia các nỗ lực của OIF nhằm tăng cường hợp tác kinh tế vì sự phồn vinh và phát triển bền vững của các thành viên.
Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thách thức và biến động hết sức to lớn, nhanh chóng và khó lường, trong khi tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hiện hữu trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia, gây ra sự gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gây tổn thất nặng nề; việc bảo đảm an ninh lương thực cũng ngày càng trở thành một thách thức lớn với các nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, với 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tất cả các nước thành viên đang nỗ lực hết mình để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Gabon Charles Mve Ella (thứ nhất từ trái qua phải), Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo (thứ 2 từ trái qua phải) tham dự Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ.
Đề cập đến tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 từ tháng 10/2021; mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3 vừa qua.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nổi bật là Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội với các nhóm giải pháp chủ yếu như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhờ đó, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tăng trưởng GDP từ mức âm hơn 6% trong quý III/2021 đã đảo chiều tăng 5,22% trong quý IV, đưa GDP cả năm 2021 tăng 2,58%. Vốn FDI năm 2021 đạt trên 31 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2020. Những tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn về thu-chi ngân sách, xuất nhập khẩu, năng lượng được bảo đảm.
Với tinh thần Chính phủ luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn Diễn đàn tập trung đi sâu trao đổi về các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Diễn đàn nêu rõ những khuyến nghị, nhất là các giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chinh sách trong các lĩnh vực quan tâm để góp phần làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Pháp ngữ.