Các số liệu thống kê cho thấy, trong những năm trở lại đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Mức thâm hụt thương mại đã giảm dần qua các năm và chuyển sang trạng thái thặng dư trong những năm gần đây.
Cách đây 10 năm, thâm hụt thương mại cả nước ở mức cao nhất là 18,03 tỷ USD, tương đương với 28,8% trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước . Cùng với sự tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cán cân thương mại hàng hóa đã có nhiều chuyển biến. trong những năm cuối của thập niên trước, mức nhập siêu đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao (cụ thể năm 2009, 2010 nhập siêu vẫn lên tới gần 13 tỷ USD). Đến năm 2012 cán cân thương mại mới chuyển sang trạng thái thặng dư nhẹ.
Thị trường xuất khẩu 10 tháng năm 2018 có nhiều khởi sắc
Trong 5 năm từ 2013-2017, cán cân thương mại chỉ thâm hụt vào năm 2015, còn lại đều ở trạng thái thặng dư. Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm nay, con số xuất siêu rất ấn tượng với 7,2 tỷ USD, dự báo mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2018.
Có thể nói, thặng dư thương mại cả nước có sự đóng góp lớn của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, từ năm 2012, xuất khẩu của khối này đã luôn ở trạng thái thặng dư cao trong khi khu vực các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước liên tục nhập siêu. Trong 10 tháng/2018, xuất siêu của khu vực các doanh nghiệp FDI lên đến 25,8 tỷ USD (xuất khẩu 142,80 tỷ USD, nhập khẩu 116,99 tỷ USD).
Xét theo thị trường trường, Việt Nam chủ yếu xuất siêu sang thị trường các nước châu Mỹ, châu Âu trong khi thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa với các nước châu Á. Trong 10 tháng/2018, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ là 28,77 tỷ USD (xuất khẩu: 39,42 tỷ USD, nhập khẩu: 10,65 tỷ USD). Trước đó, năm 2017 mức xuất siêu sang thị trường này cũng lên tới 32,24 tỷ USD.