Viết về Bác để học & làm theo Bác

Thứ sáu, 12/02/2021 14:15 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nguyễn Khắc Nho - Bạn đồng môn Bộ môn Khoa học xã hội, Sư phạm Trung cấp Bắc Giang với tôi từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Gần 60 năm, nay mới có dịp bên nhau trong căn nhà bình dị ấm áp của ông tọa lạc tại thôn Đản Mỗ, xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội.

Đây cũng là quê gốc gác tôn tộc, tổ tông của dòng họ Nguyễn Khắc...

Thuộc lứa hậu sinh, nhưng đôi tròng mắt của chúng tôi đã quầng thâm giằng rịt những vết rạn chân chim. Mái tóc thấm đẫm màu tro, màu bông lau, bông chít phất phơ trong nắng ngả heo may. Bên nhau mừng mừng, tủi tủi; tôi giật mình ái ngại vì nay mới biết vợ ông là bà Nguyễn Thị Duyệt từng là Hiệu Phó trường Trung học cơ sở, bị tai biến, suốt 10 năm nay phải ngồi trên xe lăn. Hai con trai ông đều có gia đình riêng, bận bịu công việc chính quyền, đoàn thể nên ông phải dồn hết tình yêu thương, chăm sóc bà, sắm trọn vai Ôsin trong căn nhà nhỏ...

Đoán biết tâm tư của tôi, ông rộn lời: “Không sao, mình học phong cách Bác Hồ nên tự biết vượt lên!” Chuyển giọng, ông đọc bài thơ mới viết như để minh họa ý chí của mình: “Nhà tôi tai biến mười năm nay/ “Ôsin” phục vụ suốt đêm ngày/ Tình nghĩa vợ chồng càng sâu nặng/ Thuốc thang, cơm nước, đảm đang thay/...Việc nhà, việc nước càng gắn bó/ Nhớ Bác, ơn Người nhiều ý hay/ Thôi thúc lòng tôi bao tình nghĩa/ Phong cách muôn đời (của Người) đẹp lắm thay”! 

Ông Nguyễn Khắc Nho bên bàn viết.

Ông Nguyễn Khắc Nho bên bàn viết.

Nguyễn Khắc Nho chẳng là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ... chẳng là nhà văn, nhà báo; chẳng là nhà sử học, nhà nghiên cứu danh tiếng về Lịch sử Đảng... vậy mà 18 năm qua (2003 đến 2020) ông cho ra tới 3 cuốn sách quý về Bác Hồ kính yêu, do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành: “Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống Nhân – Trí – Dũng Việt Nam” (2008); “Hồ Chí Minh về Văn hóa làm người” (2013) và “Phong cách Hồ Chí Minh” (2020). Cả 3 cuốn sách đều là tài liệu phục vụ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát động. Ấy là chưa kể tới cuốn “Khát vọng tình yêu và hạnh phúc” do Nhà Xuất bản Thanh Niên phát hành đầu năm 2002. 

Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống Nhân - Trí - Dũng Việt Nam” là cuốn sách ông viết về Người, có xuất phát điểm từ thực tế lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã tỏ rõ khí phách anh hùng, phát huy cao độ lòng yêu nước, trí thông minh và tinh thần dũng cảm, xây dựng nên truyền thống Nhân – Trí – Dũng của dân tộc. Đây là phẩm chất toàn vẹn mà Bác Hồ thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Người chính là biểu tượng của bậc Đại Nhân, Đại Trí, Đại Dũng là đỉnh cao của truyền thống quý báu đó. Đỉnh cao của Nhân là nhân dân; đỉnh cao của Trí là tư tưởng Hồ Chí Minh; đỉnh cao của Dũng là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã chọn cuốn sách này là một trong số 15 ấn phẩm làm tài liệu phục vụ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sách được tái bản với số lượng lớn!

Cuốn sách “Hồ Chí Minh về văn hóa làm người”, tác giả thêm lần khắc họa: Bác Hồ là người Việt Nam đẹp nhất. Bác là bậc hiền triết, lấy con người thật đang sống trên trái đất làm trung tâm của mọi suy tư, làm chủ đích của mọi hành động. Bởi, từ xưa đến nay, con người luôn là nhân tố quyết định mọi thành bại. Bằng lối viết chân tình, tác giả khéo léo dẫn giải, quy nạp, phân tích, luận giải quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức cao đẹp của Bác, từ đó gợi mở cho người đọc tư duy về văn hóa làm người. Cho nên, Nhà Xuất bản mới có lời: “Cuốn sách là một tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị đối với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt giúp cho cán bộ, đảng viên có thêm tài liệu nghiên cứu, thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”!.

Những ấn phẩm của Nguyễn Khắc Nho.

Những ấn phẩm của Nguyễn Khắc Nho.

Cuốn sách “Phong cách Hồ Chí Minh” thiết thực giúp người đọc nhận rõ hơn: Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc. Phong cách của Người là một bộ phận chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo logic từ suy nghĩ, nói, viết, đến ứng xử, làm việc và sinh hoạt hằng ngày. Đây là phong cách của một vĩ nhân chân chính, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi ai ai cũng có thể noi theo để trở thành công dân tốt. Đó là: Phong cách suy nghĩ và học tập độc lập; Phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể; Phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, giàu tính nhân văn, thấm đẫm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; Phong cách nói đi đôi với làm, nói và viết ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; Phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương, sống thanh cao, giản dị, lạc quan; Phong cách kiên trì và nhẫn nại, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, sống ở đâu cũng được nhiều người yêu quý, giúp đỡ và làm theo...

Vầng trán sáng, rộng; đôi tai tựa phật to, cao, dày; mắt sáng, nụ cười rạng rỡ phô đôi hàm răng trắng muốt, ánh mắt chia sẻ, ông đáp lại sự thọc mạch của tôi về lai lịch của mình:

20201018_211612[1]

- Đây. Biết gu của nhà báo nên mình tóm gọn vào 2 trang giấy này để họ không nói chệch, viết chệch dễ mang cái tiếng. Mình sống với dân làng là cứ phải có sao nói vậy! 

Buông lời thế ấy, nhưng ông vẫn dẫn giải đâu ra đó lai lịch từ các cụ thân sinh, đến chặng đường dạy văn và từng là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở của ông; từng nguyên là giảng viên Khoa Lịch sử Đảng trường Nguyễn Ái Quốc 5; nguyên Phó Giám đốc Trường Đảng huyện Đông Anh; nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Anh, Hà Nội!... Tôi xoay lời vấn vào chuyện nghề: 

- Nghề là như vậy. Việc nào cũng gian khổ. Cái khó của gia đình đến thế... Vậy bằng cách nào mà ông có thể viết tới 3 cuốn sách về Bác trong thời gian chỉ hơn 18 năm? 

Đôi mắt trực diện với mấy cuốn sách (sản phẩm do ông tạo nên) đặt trên bàn nước; ngước mắt nhìn tôi, giọng chân tình:

- Sách là sản phẩm của quá trình tích lũy, trải nghiệm, của sự kính trọng, ân nghĩa với Bác kính yêu. Nghề dạy văn, giảng dạy lịch sử Đảng, công tác Đảng gắn kết gần 60 năm khiến mình yêu nghề, say nghề dần thấu hiểu, thấu cảm sâu sắc với Đảng, với Bác... Khi Bác về với “Thế giới người hiền”, mình đọc nhiều mới hiểu thêm công lao trời biển của Bác với dân tộc. Suốt cuộc đời, Người gắn bó mật thiết với Đảng với nhân dân; Bác là người định ra đường lối chiến lược của cách mạng mới có thắng lợi như hôm nay; Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đều đạt tới đỉnh cao. Càng nghiên cứu về Đảng càng da diết kính yêu Bác vì lịch sử Đảng luôn gắn liền với Bác...

Nghỉ hưu năm 2002, Nguyễn Khắc Nho nghĩ ngay tới việc viết sách về Bác. Rộng quỹ thời gian, ông tìm đến Học Viện Báo chí & Tuyên truyền mượn sách về đọc. Bỏ tiền mua trọn bộ 12 tập Hồ Chí Minh toàn tập; Đọc như muốn nuốt lấy cả nội dung“Bộ sách Hồ Chí Minh tiểu sử” do Học viện Chính trị Quốc gia soạn thảo; Đọc nghiến ngấu 2 bộ sách “Bác Hồ sống mãi với chúng ta” của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia... Khi đọc, ông thường lưu bút những điều hay, những việc tốt đẹp của Bác để làm vốn trích dẫn. Chủ đề của những cuốn sách do ông viết ra thường nảy sinh từ đọc sách. Bám theo chủ đề, ông huy động tất cả những hiểu biết về Bác để viết. Đây chính là sự ra đời của cuốn “Hồ Chí Minh đỉnh cao truyền thống Nhân - Trí - Dũng Việt Nam”. Sự hình thành cuốn thứ 2 cũng từ đọc sách, ông thấy Bác rất đề cao con người, vì con người, coi trọng giáo dục con người. Bác nhắc nhở chiến sĩ “Người trước, súng sau”, khiến ông nảy ra chủ đề và cũng là tên sách “Hồ Chí Minh về văn hóa làm người”. Đến cuốn thứ 3, ông nuôi ý định sẽ ra tập sách những mẩu chuyện đặc sắc về phong cách của Bác, thì Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: “Học tập Phong cách Hồ Chí Minh” ban hành, có sức lan tỏa rất kỳ diệu. Ông lập dàn bài, bám sát nội dung Chỉ thị để sáng tạo cách thể hiện, bổ sung những hiểu biết của mình... Đó là căn cớ làm nên tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh”!...

Tôi thổ lộ sự nể trọng về lòng kính yêu với Bác và sức làm việc phi thường của một cây viết không chuyên như ông. Giọng hồ hởi, ông nói như giãi mở tâm can: Viết về Bác tôi cảm thấy như được đắm mình vào quá trình tự học, tự đào tạo, tự bồi dưỡng; tự thấy mình được nâng cao hiểu biết, trí tuệ, tâm hồn; tự thấy phương pháp luận được nâng cao; mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng nẩy sinh đều có cách nhận định, nhìn nhận khoa học về bản chất do lửa ấm cách mạng từ Bác truyền cho. Viết về Bác để thực hiện tốt nhất việc học và noi gương Bác, giúp mình sống tốt hơn! Bởi, Bác là nguồn năng lượng sống thần kỳ, là lửa ấm cuộc đời cách mạng sáng mãi mỗi chúng ta. Cho nên, đọc và viết về Người bao nhiêu cũng là chưa đủ, đúng như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”!.

Hà Nội – Cuối năm Canh Tý

Nhà báo Nguyễn Uyển

Tin khác

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

Nhà Xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách 'Trần Phú' của Nhà văn Sơn Tùng

(CLO) Kỉ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc cả nước truyện kí đặc sắc “Trần Phú” của tác giả Sơn Tùng. Tác phẩm gồm 9 chương phác họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú (1904-1931).

Đời sống văn hóa
6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

6 bộ phim chiếu miễn phí trong 'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ'

(CLO) 6 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí phục vụ công chúng trong “Những ngày phim tài liệu hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

Kon Tum: Độc đáo hội thi giã gạo ngon nhất thế giới ở núi Ngọc Linh hùng vĩ

(CLO) Nằm trong khuôn khổ của Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế được tổ chức tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) còn có hoạt động giã gạo truyền thống. Loại gạo ngon nhất thế vừa bén rễ trên vùng sâm tốt nhất.

Đời sống văn hóa
Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến sỹ Điên Biên kể về Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) “…Cuối năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật sang Trung Quốc rồi Liên Xô hội đàm với các đồng chí lãnh đạo Xô Viết và Nguyên soái Stalin. Sau cuộc hội đàm Nguyên soái Stalin đã quyết định tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam một trung đoàn cơ giới pháo cao xạ 37 ly mà sau này Trung đoàn pháo cao xã 367 của chúng tôi đảm nhận đưa pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ.”

Đời sống văn hóa
Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

Quyết định kéo pháo ra của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp

“Vừa kéo pháo vào hôm trước, hôm sau ngày 26/1/1954 lại đột ngột nhận lệnh kéo pháo ra. Chúng tôi bàng hoàng cả người. Nhưng cũng nhờ có quyết định ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng…”

Đời sống văn hóa