(CLO) Vụ "Hồ sơ Pannam" gây chấn động thế giới đã xảy ra cách đây một năm nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn âm ỉ. Tại Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với món nợ khó đòi hàng chục triệu USD là một minh chứng. [caption id="attachment_169390" align="alignnone" width="800"]

Công ty Cason đã sử dụng các hợp đồng, biên bản thỏa thuận, kèm theo phương án kinh doanh nộp cho Vietcombank để vay hơn 30 triệu USD nhưng lại trả tiền hàng cho Cty SNI - được thành lập tại "thiên đường thuế"[/caption] Trong vụ “Hồ sơ Panama” được công khai đã gây chấn động thế giới, có tên 189 cá nhân người Việt trong đó có nhiều tên tuổi doanh nhân nổi tiếng. Tổng cục Thuế sau đó đã thành lập Tổ xác minh để tìm hiểu sâu hơn về các cá nhân, tổ chức. Đến nay, đã 1 năm trôi qua, cơ quan này chưa công bố thông tin nào về kết quả xác minh này. Tuy nhiên, gần đây, một vụ việc liên quan đến hàng chục triệu USD nợ khó đòi đã khiến dư luận đặc biệt chú ý. Đó là vụ án liên quan đến Công ty CP Container quốc tế Cas (Cascon), trong đó có phần vốn góp của Vinashin. Năm 2010, Công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất gửi văn bản mua 10.000 container do Cascon (khi đó còn mang tên cũ là Công ty VTC) sản xuất với giá 4.038 USD/container. Hai bên thỏa thuận, số 10.000 container này sẽ được chia làm hai hợp đồng. Hợp đồng 1.000 containner Công ty UASC ký trực tiếp với Công ty Cascon. Hai bên đã giao hàng, trả tiền và thanh lý hợp đồng. Số còn lại, 9.000 container được mua bán qua một đơn vị trung gian là Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Sunny Investment (Công ty SNI). Đầu tiên, Công ty SNI ký hợp đồng mua 9.000 container từ Công ty Casson. Tiếp đó, Công ty SNI lại ký tiếp hợp đồng bán số container này cho Công ty UASC. Sau đó, bà Nguyễn Hồng Anh, Tổng giám đốc Công ty Cason đã sử dụng các hợp đồng, biên bản thỏa thuận, kèm theo phương án kinh doanh để nộp Vietcombank vay tiền với số tiền lên đến hơn 30 triệu USD. Có vốn, Nguyễn Hồng Anh đã tổ chức cho Công ty Cason sản xuất và chuyển giao đủ 9.000 container và Công ty UASC đã thanh toán hết. Tuy nhiên, thay vì số tiền hàng được trả vào tài khoản của Công ty mở tại Vietcombank, thì lại được trả vào tài khoản của Công ty SNI mở tại Ngân hàng HSBC. Không thấy khách hàng chuyển trả đủ tiền vào tài khoản, Vietcombank yêu cầu Công ty Cason cung cấp hồ sơ pháp lý của Công ty SNI, đòi nợ ráo riết và cuối cùng đưa ra cơ quan tài phán. Đến lúc này mới hay, Công ty SNI được thành lập tại Virgin (thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh) – một nơi được xếp vào hàng “thiên đường thuế”. Các chữ ký đại diện Công ty SNI trên các bản hợp đồng đều do một nhân viên Công ty Cason ký giả. Bản thân Nguyễn Hồng Anh kiêm luôn Giám đốc Công ty SNI. Vì sao các công ty như Công ty SNI có thể tham gia các giao dịch như vậy mà không phải e ngại các vấn đề về quản lý hay các nghĩa vụ thuế? Đó chính là vì các công ty này được thành lập ở những nơi được gọi là “thiên đường thuế” - với các điều kiện dễ dãi về việc đầu tư kinh doanh và chính sách thuế cực kỳ ưu đãi. Người ta có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tại đó mà không cần phải chứng minh nguồn tiền hợp pháp, không cần phải đăng ký vốn pháp định, tài khoản đầu tư. Tại các quốc gia, vùng lãnh thổ này đưa ra mức thuế suất thấp nhất thế giới hoặc có khi bằng không. Thậm chí có nơi, khi lập doanh nghiệp thì chỉ đóng một mức lệ phí cố định một lần hoặc hằng năm và không cần phải nộp thêm bất kỳ khoản thuế nào trong suốt quá trình hoạt động. Các quốc gia, vùng lãnh thổ này không kiểm soát về nguồn vốn của doanh nghiệp, do đó thông thường doanh nghiệp, cá nhân sẽ chuyển vốn đến đó bằng hình thức chính thức và cả phi chính thức. Bất kỳ các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp tại những quốc gia, vùng lãnh thổ này ra bên ngoài khi thu được lợi nhuận chuyển về đây sẽ không bị đánh thuế thêm lần nữa. Đây cũng là một bài học cho các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp của Việt Nam.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. Bảo Châm