Nâng tầm đối tác chiến lược
Ngày 27/3/2018 tại Paris, Pháp, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Safran-CFM đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về cung cấp động cơ và các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho các tàu bay của hãng trị giá 6,5 tỷ USD.
Theo thỏa thuận này, Safran-CFM hợp tác với Vietjet trong việc cung cấp 321 động cơ, phục vụ cho 148 tàu bay của hãng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng động cơ, công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không, các chương trình nghiên cứu ứng dụng như tiết kiệm nhiên liệu, quản lý kỹ thuật và xây dựng cơ sở bảo dưỡng tầm vóc khu vực.
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho biết: “Thỏa thuận này ghi nhận quan hệ hợp tác chiến lược giữa Vietjet và Safran-CFM. Chúng tôi tin tưởng rằng với những ưu thế về kỹ thuật, những động cơ mới này sẽ giúp nâng cao năng lực khai thác của đội bay Vietjet, giúp hãng hiện thực hóa chiến lược kinh doanh hướng ra toàn cầu, phục vụ tốt hơn và đa dạng các nhu cầu của hành khách”.
Ông Nguyễn An Di, Giám đốc nhân sự (trái), đại diện Vietjet nhận kỷ niệm chương tôn vinh “Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017”.
Về phía đối tác Pháp, ông Philippe Couteaux, Phó Chủ tịch cao cấp Safran Aircraft Engines và CFM, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào là đối tác của Vietjet trong chiến lược phát triển dài hạn của hãng. Bản ghi nhớ lần này ghi nhận bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác giữa Vietjet và Safran Aircraft Engines và CFM dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho Vietjet”. Cũng trong dịp này, Vietjet đã ký kết hợp đồng với Công ty GECAS France về thuê, mua 6 tàu bay A321neo trị giá 800 triệu USD.
Trước đó tháng 5/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ, Vietjet đã ký các hợp đồng, thỏa thuận mua động cơ, dịch vụ tài chính hàng không và bảo dưỡng tàu bay trị giá 4,7 tỷ USD với các đối tác Mỹ.
Việc bắt tay với các đối tác chiến lược là những tên tuổi lớn trong ngành hàng không quốc tế là cách Vietjet “nâng tầm thương hiệu” cũng như chất lượng dịch vụ của hãng, xóa tan lo ngại về suy nghĩ “giá bán rẻ là an toàn không cao”.
Tăng cường mở rộng đường bay quốc tế
Không dừng lại với việc chiếm giữ hơn 40% thị phần hàng không nội địa năm 2017, Vietjet Air đang tích cực hướng ra thị trường nước ngoài. Theo kế hoạch vừa trình bày tại đại hội đồng cổ đông mới diễn ra cuối tháng 4/2018, 80% đường bay hãng dự kiến mở mới trong năm 2018 sẽ đến từ thị trường quốc tế. Cụ thể, năm 2018, Vietjet đặt kế hoạch nâng tổng số đường bay lên thành 102 tuyến. 16 trong tổng số 20 đường bay dự kiến mở mới trong năm nay là đường bay quốc tế.
Kể từ năm 2016, số lượng đường bay nội địa của Vietjet gần như đi ngang, với tốc độ mở mới không còn ấn tượng như giai đoạn trước đó. Ngược lại, đường bay quốc tế được chú trọng phát triển với tốc độ mở mới đạt trên 90% trong hai năm liền 2016 và 2017.
Hà Nội - Đồng Hới là đường bay nội địa duy nhất mà Vietjet mở mới trong năm 2017. Trong khi đó, cũng trong năm này, số lượng đường bay quốc tế mới của hãng lên tới con số 21. Nhờ đó, vào cuối năm 2017, các đường bay quốc tế của Vietjet lần đầu tiên vươn lên áp đảo các đường bay nội địa về số lượng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc khối thương mại của Vietjet cho biết, ban đầu Vietjet tham gia thị trường hàng không bằng các đường bay nội địa. Tuy nhiên, đến nay Vietjet khai thác hầu hết các đường bay tại thị trường nội địa. Trong những năm tiếp theo, Vietjet sẽ hướng đến những thị trường có thu nhập cao. Mục tiêu của Vietjet không còn là cạnh tranh nội địa nữa mà cạnh tranh với các hãng trên thế giới.
Vietjet sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác các thị trường mới tại châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Australia. Dự định tháng 11/2018 tới, Vietjet sẽ bắt đầu triển khai đường bay đầu tiên đến Nhật Bản. Trước đó, ngày 16/3/2018, Vietjet và Công ty Cảng hàng không Quốc tế Brisbane đã ký thỏa thuận hợp tác mở đường bay thẳng giữa TP.HCM và TP. Brisbane (bang Queensland, Australia), dự kiến khai thác từ năm 2019.
Lợi nhuận trên đường bay quốc tế bình quân cao hơn khoảng 20% so với đường bay nội địa. Lợi nhuận này không những đến từ hoạt động mở rộng thị trường mà còn nhờ các dịch vụ như bán hàng miễn thuế. Bên cạnh đó, chi phí mua nguyên liệu xăng dầu nếu mua ở nước ngoài cũng rẻ hơn khoảng 30% so với trong nước do không phải chịu các loại thuế, lệ phí như thuế nhập khẩu, phí môi trường như tại Việt Nam. Đây là loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của các hãng hàng không. Theo CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, đó chính là lý do thúc đẩy Vietjet đặt mục tiêu mở rộng đường bay quốc tế.
Chú trọng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực
Chưa đầy 7 năm chính thức bước chân vào thị trường hàng không, Vietjet đã có cho mình những thành tích đột phá. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2022 của mình, Vietjet đặt mục tiêu tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Trong đó, trọng tâm vào phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.
Sau nhiều năm liên tục được vinh danh là “Thương hiệu tuyển dụng tốt nhất châu Á”, “Top những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”, Vietjet đã thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mục tiêu của Vietjet Air là trở thành tập đoàn hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới. Vì vậy, nguồn nhân lực của Vietjet được tuyển chọn đáp ứng đầy đủ về năng lực và kinh nghiệm chuyên ngành hàng không (đặc biệt là lực lượng phi công, kỹ sư sửa chữa tàu bay, nhân viên điều phái bay, tiếp viên). Trên cơ sở nền tảng văn hóa công ty lành mạnh, lực lượng lao động người nước ngoài cùng với lực lượng người Việt Nam tạo nên một môi trường lao động chuyên nghiệp, quốc tế và hiệu suất cao.
Chuẩn bị cho kế hoạch khai thác 100 đường bay quốc tế và nội địa trong năm 2018, Vietjet tuyển dụng tiếp viên hàng không trên toàn quốc ngày 17/5/2018 tại Văn phòng Vietjet (Hà Nội) và ngày 24/5/2018 tại Trung tâm Đào tạo Vietjet (TP.HCM). Đây là đợt tuyển dụng tiếp viên lớn nhất trong năm 2018 của Vietjet.
Bên cạnh đó, Vietjet còn chủ động phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tự đào tạo. Tháng 7/2017, Lễ động thổ dự án Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện Hàng không Vietjet tại Khu công nghệ cao (SHTP), quận 9, TP.HCM đã được tổ chức. Trên khu đất có diện tích 7,5ha, Học viện Hàng không Vietjet sẽ được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động đào tạo theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đào tạo các chuyên môn thuộc Khối khai thác bay, Khối kỹ thuật, sau đó mở rộng ra các chuyên môn khác. Dự kiến sau 12 tháng sẽ đưa vào vận hành hạng mục đầu tiên là Trung tâm Thiết bị buồng lái giả định đào tạo phi công (Full flight simulator). Ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng Giám đốc Vietjet chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng, Học viện Hàng không Vietjet sẽ là một trong những mắt xích quan trọng giải quyết chiến lược nhân lực không những cho riêng Vietjet, mà còn cho cả các hãng hàng không khác của Việt Nam và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam và thị trường hàng không trong khu vực”.
Thư Trang