Phản ánh với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, nhiều công nhân đang làm việc tại Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long (Phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), thắc mắc chuyện Công ty không rõ ràng tiền làm ban đêm cho người lao động.
Đây là doanh nghiệp có tiếng tại Quảng Ninh, chuyên sản xuất các loại gạch, ngói và hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Do đó, công nhân, cán bộ tại Viglacera Hạ Long phải làm việc cả 3 ca. Ca 1 từ 6h30 sáng đến khoảng 16h cùng ngày. Ca 2 từ 14h đến 21h. Ca 3 làm từ 22h đến khoảng 6h sáng hôm sau.
“Nếu tuần này anh làm ca 1 thì tuần sau ca 2, tuần sau nữa ca 3, cứ luân phiên như vậy”, anh H., một công nhân đã có nhiều năm làm việc tại đây cho hay.
Tuy nhiên, từ ngày vào Viglacera Hạ Long làm việc, anh H. và nhiều công nhân khác cho rằng họ không được tính thêm tiền làm ban đêm theo quy định.
Bởi theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
“Theo quy định này thì ví dụ một đêm chúng tôi làm được ra từng này sản phẩm, được trả 300.000 đồng tương ứng với số sản phẩm làm ra thì Công ty phải cộng thêm 90.000 đồng nữa cho người lao động. Nhưng từ ngày vào đây làm đến giờ chúng tôi không được nhận số tiền làm ban đêm và không biết Công ty tính tiền này như thế nào?”, anh H. thắc mắc.
Cổng vào Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Năng Hoạch, Chủ tịch công đoàn, kiêm Chánh văn phòng Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long, khẳng định Công ty không làm trái quy định mà tiền làm ban đêm đã được tính hết vào đơn giá.
Song, do ông Hoạch không nắm rõ việc này nên mời thêm ông Nguyễn Hữu Mão, Giám đốc Nhân sự Viglacera Hạ Long vào để trao đổi thông tin. Khi phóng viên đề cập lại phản ánh của công nhân, cho rằng Công ty không trả thêm tiền làm ban đêm, ông Mão hỏi lại phóng viên “công nhân phản ánh có văn bản không. Nếu có văn bản thì đuổi luôn vì nói vớ vẩn”.
Ông Mão thể hiện thái độ không hài lòng về phản ánh trên của công nhân, đồng thời cũng khẳng định có tiền phụ cấp ca 3 và được thể hiện luôn trên bảng lương của người lao động.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho xem bảng lương có thể hiện phụ cấp ca 3 thì ông Mão không đồng ý và tiếp tục nhấn mạnh “tóm lại là có”.
“Ví dụ anh đi làm ca 3. Lương anh trả là 10 đồng ban ngày thì ca 3 trả 11 đồng, ví dụ thế”, ông Mão giải thích và lấy thêm một ví dụ nữa nhưng có phần hơi mâu thuẫn: “Ví dụ ở phân xưởng Dỡ, dỡ một goòng (dỡ gạch và ngói vừa ra lò để xếp gọn vào pallet - PV) được trả 100 nghìn, hai goòng là 200 nghìn. Ca 1, ca 2, ca 3 đều trả giống nhau vì công nhân nào cũng phải đi đều 3 ca”, ông Mão nói.
Nhìn chung, giải thích của ông Mão khá phức tạp, nhưng theo ý hiểu của phóng viên, ví dụ công nhân dỡ một goòng được trả 100 nghìn thì trong 100 nghìn đó đã bao gồm cả tiền làm ban đêm.
Cũng theo ông Mão, ngoài công nhân thì cán bộ tại nhà máy như Quản đốc, Phó Quản đốc,… cũng phải đi làm ca 3 và tiền làm ban đêm cũng được khoán hết vào lương.
Công nhân đang xếp ngói trong nhà máy của Viglacera Hạ Long. Ảnh QTV
Về phần trả lời của đại diện Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long, trao đổi lại với phóng viên, anh H. cho rằng nếu Công ty tính như vậy là hết sức tù mù và cào bằng. “Thế thì chúng tôi không thể biết được Công ty có cộng không và cộng thêm được bao nhiêu % tiền vào những ngày đi làm ban đêm”, anh H. nêu ý kiến.
Người lao động này viện dẫn thêm rằng, ở Quảng Ninh, hầu hết các mỏ than công nhân cũng phải đi làm 3 ca như tại Viglacera Hạ Long. Tuy nhiên, những ngày người lao động đi làm ca đêm đều được tính thêm tiền làm ban đêm rất rõ ràng, đúng quy định của Nhà nước.
“Anh tôi làm cho mỏ than N.M tại Quảng Ninh. Trước kia họ cũng không trả thêm tiền làm ban đêm cho người lao động. Sau khi nhiều công nhân có ý kiến thì mấy năm trở lại đây, doanh nghiệp đã chi trả tiền làm ca đêm cho người lao động”, anh H. cho biết.
Với phản ánh Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long “nhập nhèm” tiền làm ban đêm với người lao động, phóng viên đã cung cấp thông tin cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh để cơ quan có thẩm quyền này kiểm tra, làm rõ, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…
Viết Cường