Viglacera (VGC) phải cắt giảm mục tiêu lãi năm 2023 tới gần 1.000 tỷ đồng
(CLO) Viglacera (VGC) vừa thông báo cắt giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2023 tới gần 1.000 tỷ đồng bất chấp doanh thu có tăng trưởng.
Tổng công ty Viglacera (VGC) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2022 đi kèm với đó là kế hoạch hoạt động trong năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng, tăng tới hơn 10% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đó là ngược với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của công ty lại sụt giảm mạnh.
Theo đó thì lợi nhuận sau thuế mục tiêu trong năm 2023 chỉ còn ghi nhận ở mức 1.300 tỷ đồng, giảm tới hơn 1.000 tỷ đồng so với thực hiện tại năm 2022. Theo lý giải từ phía công ty thì trong năm 2023, mặc dù vẫn có những yếu tố thuận lợi giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhưng những bất ổn về địa chính trị, xung đột tại các khu vực khác cũng sẽ gây ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Viglacera (VGC) vừa phải cắt giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2023 xuống 1.000 tỷ đồng (Ảnh TL)
Bài liên quan
Viglacera (VGC) cổ phiếu của công ty con bị đưa vào diện cảnh báo
Viglacera (VGC) tài sản chủ yếu là nợ, lợi nhuận 70% đến từ kinh doanh bất động sản
Viglacera dự định tạm ứng cổ tức 10%, đầu tư tại Cộng hoà Dominica
Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 dù đã được kiểm soát nhưng nền kinh tế thế giới vẫn chưa có sự khởi sắc, đà tăng trưởng chưa cao cũng là nguyên nhân tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Với dự báo về tình hình kinh doanh phía trên, Viglacera dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20%.
Trong năm 2022 vừa qua, Viglacera vẫn ghi nhận tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh với quy mô doanh thu tăng từ 11.211,1 tỷ đồng lên mức 14.607,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30,3%. Giá vốn hàng bán cũng theo đó tăng lên mức 10.354,3 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 4.238,1 tỷ đồng.
Đa phần các chi phí trong kỳ đều gia tăng trong khi doanh thu tài chính lại giảm từ 189,9 tỷ đồng xuống chỉ còn 85,6 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng từ 205,5 tỷ đồng lên mức 324,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng khoảng 57,9%. Chi phí bán hàng chiếm lượng tương đối lớn, lên tới 936,3 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 749 tỷ đồng lên 911,8 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Viglacera đạt 1.913 tỷ đồng, tăng 49,6% so với năm trước đó.
Một điểm đáng chú ý khác trên báo cáo tài chính của Viglacera đó là sự thay đổi về cơ cấu các khoản nợ của đơn vị này. Trong đó nợ vay dài hạn chiếm khoảng 1.657,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, nợ vay ngắn hạn lại có xu hướng tăng rất nhanh, từ 1.447 tỷ đồng lên 1.959,4 tỷ đồng. Tương ứng với việc nợ ngắn hạn đã gia tăng tới 512,4 tỷ đồng chỉ trong 1 năm.
Về cơ cấu các khoản vay ngắn hạn này thì có thể thấy khoản vay tăng mạnh nhất là tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tăng từ 311,5 tỷ đồng đầu năm lên 959,7 tỷ đồng với lãi suất thả nổi với mục đích sử dụng để bổ sung vốn lưu động cho công ty, được đảm bảo bằng tài sản cố định, hàng tồn kho, các hợp đồng tiền gửi, quyền tài sản, quyền hàng hóa...
Ngoài ra thì trong cơ cấu nguồn vốn của Viglacera, nợ phải trả cũng đang chiếm tỷ trọng tương đối lớn, chiếm tới 13.873,5 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 60,4% tổng nguồn vốn của Viglacera.