Viglacera (VGC) tài sản chủ yếu là nợ, lợi nhuận 70% đến từ kinh doanh bất động sản
(CLO) Tổng công ty Viglacera (VGC) có cơ cấu tài sản chủ yếu là nợ, lãi trước thuế ghi nhận trong năm khá cao nhưng 70% đến từ mảng kinh doanh bất động sản.
Tổng công ty Viglacera (VGC) được thành lập từ năm 1974 với tên gọi Công ty Gạch ngói Sành sứ Xây Dựng. Đến năm 2010, đơn vị chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng thành công ty TNHH một thành viên và đổi tên thành Tổng công ty Viglacera. Lĩnh vực kinh doanh chính của Viglacera là sản xuất kinh doanh và nhập khẩu vật liệu xây dựng, nguyên liệu nhiên liệu, đầu tư kinh doanh bất động sản, khai thác chế biến và kinh doanh khoáng sản.

Tài sản của Viglacera (VGC) chiếm phần lớn là nợ, 70% lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh sản xuất chính mà đến từ kinh doanh bất động sản. (Ảnh TL)
Bài liên quan
Viglacera dự định tạm ứng cổ tức 10%, đầu tư tại Cộng hoà Dominica
Viglacera (VGC) liên tục báo lãi lớn, nhưng lại nằm trong danh sách đen nợ thuế
Viglacera (VGC) ước lãi quý III/2021 giảm 5% so với cùng kỳ
Mới đây, Viglacera đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 2.288 tỷ đồng, vượt khoảng 35% kế hoạch năm và đồng thời tăng hơn 48% so với thực hiện năm 2021.
Điều đáng chú ý đó là trong cơ cấu lợi nhuận mang lại, phần lớn trong đó không đến từ mảng sản xuất kinh doanh và nhập khẩu vật liệu xây dựng mà lại đến từ mảng kinh doanh bất động sản với lợi nhuận trước thuế đạt 1.622 tỷ đồng. Như vậy, mảng kinh doanh bất động sản đã chiếm tới gần 71% cơ cấu lợi nhuận của Viglacera trong năm 2022.
Với tình trạng thị trường bất động sản đóng băng và gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2022 như vừa qua thì việc cơ cấu lợi nhuận thu về chủ yếu đến từ bất động sản sẽ có thể gây khó khăn cho Viglacera trong năm 2023 tới đây.
Theo báo cáo tài chính quý 3, Viglacera đạt doanh thu 3.211,7 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán ghi nhận ở mức 2.392,3 tỷ đồng, tăng tới 44%. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận ở mức 819,4 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tăng từ 25,2% lên mức 25,5%.
Chi phí trong kỳ hầu hết đều tăng mạnh, có thể kể đến như chi phí tài chính tăng gấp 2 lần, từ 34,1 tỷ đồng lên 73,1 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng từ 139 tỷ đồng lên 253,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 162,8 tỷ đồng lên 242,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế quý 3 ghi nhận ở mức 264,6 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm kết thúc quý 3 năm 2022, Viglacera ghi nhận tổng tài sản đạt 23.127 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả chiếm tỷ trọng rất lớn, tới 14.244,1 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ khoảng 61,6% trong tổng cơ cấu nguồn vốn.
Đáng chú ý nhất trong đó, ghi nhận về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong 9 tháng đầu năm tăng từ 1.447 tỷ đồng lên mức 1.941,6 tỷ đồng, tương ứng với việc nợ ngắn hạn đã tăng tới gần 500 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng chiếm tới 1.672,5 tỷ đồng, tuy có giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm nhưng vẫn là một gánh nặng tài chính lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.