Vĩnh biệt cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ- Một “tấm lòng vàng” tài đức vẹn toàn

Thứ tư, 08/11/2017 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ doanh nhân Trịnh Văn Bô, người đã hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng trong Tuần lễ vàng năm 1945 vừa qua đời vào đêm 5/11, tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội), hưởng thọ 104 tuổi. Dẫu biết rằng, sinh - lão - bệnh - tử là quy luật tự nhiên nhưng sự ra đi của cụ vẫn để lại bao tiếc thương cho mọi người. Bởi không chỉ có nhiều đóng góp cho cách mạng, cụ còn được coi là hình mẫu doanh nhân đầu tiên của Việt Nam với tài đức vẹn toàn.

Đọc được dòng tin cụ bà  Hoàng Thị Minh Hồ vừa tạ thế ở cái tuổi rất hiếm trời cho 104, bao cảm xúc trong tôi lại ập về. Còn nhớ, 16 năm trước, khi còn là một phóng viên trẻ mới vào nghề, tôi được tòa soạn cử đi viết bài về gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô (chồng của cụ Minh Hồ)- Người đã hiến tặng Nhà nước 5.147 lượng vàng nhân kỷ niệm Ngày cách mạng tháng Tám năm ấy.

Ấn tượng khi gặp cụ Minh Hồ của tôi lúc đó là một bà cụ rất đẹp lão, vô cùng phúc hậu và nhiệt tình. Dù ngày ấy cụ đã 88 tuổi nhưng vẫn cực kỳ minh mẫn. Khi biết chúng tôi là những PV trẻ muốn tìm hiểu về gia đình và việc hiến tặng vàng của gia đình, cụ Minh Hồ rất sẵn lòng chia sẻ và kể lại tường tận tỉ mỉ câu chuyện cho chúng tôi nghe. Cụ còn nhiệt tình tìm lại những bức ảnh trong album ảnh của gia đình rồi tận tình chỉ dẫn cho chúng tôi xem từng bức. Qua cuộc trò chuyện với cụ chúng tôi vô cùng cảm phục người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân hậu ấy.

Báo Công luận

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - Ảnh: Linh Tâm

 

Từ cô tiểu thư tài sắc vẹn toàn...

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914, tại Hà Nội. Thân sinh của cụ Minh Hồ là một nhà nho yêu nước và là thương gia nổi tiếng Hoàng Đạo Phương. Mẹ của cụ Minh Hồ cũng là con nhà phú quý, ngoài việc buôn bán tháo vát bà còn rất đảm đang trong chuyện chăm chồng, con. Bố mẹ cụ Minh Hồ có 11 người con đều thành đạt, giỏi giang nhưng riêng cụ Minh Hồ được bố mẹ dành nhiều tình cảm và sự chăm sóc nhất. Ngoài việc được cha dạy chữ nho, 11 tuổi, cụ Hoàng Thị Minh Hồ còn được đi học chữ phổ thông. Nhưng việc học của cụ chỉ đến năm 15 tuổi vì con gái ngày xưa không được học quá nhiều. Mặc dù vậy, cũng như nhiều quý cô Hà thành khác, bà rất giỏi nữ công gia chánh.

Ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của doanh nhân Trịnh Văn Bô và cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã từng chia sẻ với báo chí câu chuyện về mẹ mình: “Ngày xưa Hà Nội có cuộc thi hoa thủy tiên vào ngày 20/1 âm lịch hàng năm. Các quý ông Hà thành đều chăm chút, gọt giũa rất cẩn thận cho các cây hoa của mình để mang tới đền Ngọc Sơn so tài. Cụ Hoàng Đạo Phương, cha của cụ Minh Hồ, cũng là người mê chơi hoa thủy tiên. Hàng năm, sau khi lựa những bông đẹp đi thi, cụ để lại cho con gái những chậu hoa chưa được như ý để cô con gái yêu dùng hoa ướp trà.

Ông Chính lý giải: "Ngày xưa, chỉ những nhà quyền quý mới ướp trà với hoa thủy tiên để gia đình dùng đãi khách quý. Mẹ tôi vốn được dạy dỗ rất cẩn thận về nữ công gia chánh, nên bà có tài ướp và pha trà ngon nức tiếng. Tháng giêng, mẹ tôi ướp chè thủy tiên, tháng 2, 3 ướp hoa cau hoa bưởi, tháng 4, 5 bà ướp hoa sen... Trong nhà ông ngoại tôi lúc nào cũng có trà ngon đãi khách".

Cụ Minh Hồ cũng như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa thường vấn khăn, mặc áo dài, đi guốc mộc. Bà có nước da trắng, mũi cao và gương mặt thanh tú được xếp vào hàng giai nhân ngày đó.

Không chỉ thạo nữ công gia chánh, 13 tuổi, bà được mẹ tín nhiệm cho quản lý cửa hàng tơ lụa của gia đình. Xinh đẹp, thông minh lại con gia đình tri thức, quyền quý, bà có rất nhiều chàng trai để ý.

Năm 1932, cụ Minh Hồ lập gia đình với nhà tư sản Trịnh Văn Bô, tiếp nối truyền thống gia đình buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Ngang. Doanh nhân Trịnh Văn Bô có cha là cụ Trịnh Văn Đường (nguyên quán tại xã Đồng Hoàng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây - nay thuộc huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội). Cụ Đường là chủ tiệm buôn Phúc Lợi có tiếng ở Hà Nội xưa và là một nhà nho thời đó. Do đó, từ nhỏ, doanh nhân Trịnh Văn Bô đã được thừa hưởng một nền giáo dục cẩn thận từ cha mẹ.

Theo lời kể của người thân, từ nhỏ, doanh nhân Trịnh Văn Bô đã chịu khó học hỏi để sớm nối nghiệp cha mẹ. Thậm chí, ông từng xin mẹ tiền, ra chợ buôn bán tơ gần nhà mua rồi xuống cuối chợ bán lại. Những đồng lãi đầu tiên dù ít ỏi nhưng đủ để nhen nhóm tham vọng kinh doanh của ông sau này.

Do điều kiện gia đình, ông được học hành tử tế, nói được tiếng Anh và tiếng Pháp. Sau khi tốt nghiệp tú tài, thay vì sang Pháp học như người anh trai là Trịnh Văn Bính, ông được cha giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp.

 

Báo Công luận
 
Đến vợ chồng nhà tư sản kinh doanh tài giỏi

Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, bằng tài năng bẩm sinh của mình, Cụ Minh Hồ đã lao động không một ngày ngưng nghỉ và đã đưa sản nghiệp của nhà chồng lên đến một đỉnh cao hiếm có.

Ngày mới cưới, hai vợ chồng cụ được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa tên hiệu Phúc Lợi cùng số vốn ban đầu 30.000 đồng Đông Dương.

Nhờ tiếng tăm của gia đình, với tài kinh doanh thiên bẩm, doanh nhân Trịnh Văn Bô đã kế tục sự nghiệp của cha mẹ, từng bước tạo dựng và đưa thương hiệu Phúc Lợi phát triển. Khi đã có chỗ đứng vững chắc, vợ chồng ông bà không ngừng mở rộng sản xuất, giảm giá thành cho sản phẩm của mình.

Báo Công luận
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô- Hoàng Thị Minh Hồ 
Ông bà mạnh dạn mua lại một dây chuyền dệt vải trị giá 20.000 đồng Đông Dương và xây dựng nhà máy rộng 3 ha tại khu vực Đê La Thành với 120 công nhân. Nhà máy dệt đã sản xuất ra nhiều loại vải thành phẩm đẹp, bán ra thị trường với mức giá hợp lý.

Với vốn ngoại ngữ, doanh nhân Trịnh Văn Bô cũng mạnh dạn đưa thương hiệu vải Phúc Lợi ra thị trường ngoài nước. Sản phẩm tơ lụa của Phúc Lợi đã được buôn bán sang các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ...

Từ một cửa hiệu Phúc Lợi ban đầu, gia đình ông tiếp tục mở thêm các cơ sở. Những cửa tiệm này gia đình ông không thuê mà mua đứt luôn với giá hàng chục cây vàng. Kho lụa luôn đầy ắp và lượng người làm công đông đảo là hình ảnh quen thuộc của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô thời đó.

Một “Tấm lòng vàng” vô cùng quý hiếm

Tôi còn nhớ cụ Minh Hồ kể rằng nhớ lời cha dặn: “Cha già cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện thì giúp nước thay cha” nên cụ Hoàng Thị Minh Hồ luôn có tâm nguyện làm việc gì đó đóng góp cho cách mạng và giúp đỡ nhân dân. Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô có những đóng góp to lớn cho cách mạng.

Là thương nhân giàu có, gia đình cụ Trịnh Văn Bô nổi tiếng với triết lý kinh doanh "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức". Thế nên gia đình cụ dành rất nhiều tiền để đóng góp từ thiện, giúp đỡ người nghèo và lớn nhất là hỗ trợ cho cách mạng và nền độc lập của đất nước.

Năm 1936, khi người Pháp di dời nghĩa trang Hợp Thiện, hàng trăm bộ hài cốt phải chuyển. Thành phố đi quyên góp tiểu sành, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 100 chiếc.

Năm 1937, hai huyện Đông Khê, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) bị ném bom, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 2.000 đồng Đông Dương. Hai năm sau, ông bà Trịnh Văn Bô cũng bỏ 2.000 đồng Đông Dương mua gạo cứu tế cho người dân Hưng Yên bị lũ lụt.

Trong nạn đói năm 1945, hai cụ đều kịp thời mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo phát cho người đói, nhờ thế mà nhiều người thoát chết trong gang tấc.

Khác với nhiều gia đình giàu có khác, vợ chồng hai cụ cư xử với gia nhân rất ân cần, không bao giờ to tiếng quở trách. Trong khi nhiều cửa hiệu gia nhân ăn bớt tiền, ăn cắp vải mang đi bán nhưng chẳng bao giờ có chuyện đó trong cửa hiệu vải Phúc Lợi. Gia đình nào khó khăn, cuối năm ngoài tiền lương, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô còn thưởng thêm tiền để họ về ăn Tết…

Báo Công luận
Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ ủng hộ Tuần lễ Vàng tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội, tháng 9-1945
Đầu năm 1945, doanh nhân Trịnh Văn Bô quyết định ủng hộ 10.000 đồng Đông Dương, tương đương 250 cây vàng, cho Mặt trận Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp đóng góp tài chính của gia đình.

Hai cụ còn ủng hộ tài chính rất nhiều lần cho cách mạng. Tính đến trước Cách mạng tháng 8, gia đình cụ đã ủng hộ 8.500 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 200 cây vàng theo thời giá bấy giờ. Ngoài ra, y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình 2 cụ cung cấp. 

Sau Cách mạng tháng Tám, ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó đa phần đã rách nát, không thể tiêu dùng được. Chính phủ phát động quyên góp ủng hộ và gia đình cụ được tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập và tiếp tục ủng hộ Quỹ này 20.000 đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, cụ còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ.

Trong Tuần lễ Vàng, gia đình cụ tiếp tục đóng góp 117 cây vàng. Ngoài ra, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Báo Công luận
Doanh nhân Trịnh Văn Bô (thứ nhất từ trái sang), bà Hoàng Thị Minh Hồ, cụ bà Phan Thị Ngọc (mẹ ông Bô), đồng chí Phạm Văn Đồng và nhà tư sản 
Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (thời giá lúc đó). Gia đình cụ cũng hiến tặng Chính phủ căn nhà số 48 Hàng Ngang để làm địa điểm lưu niệm. Căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu cũng được cho Nhà nước mượn phục vụ vào việc chung.

Sự huy động và tự đóng góp cho Cách mạng của gia đình và cá nhân của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ là nghĩa cử vô cùng quý báu và cao đẹp. Việc làm của gia đình cụ sẽ mãi là tấm gương sáng về lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau. Vĩnh biệt cụ- một “tấm lòng vàng”  hiếm có. Hy vọng rằng Hà Nội sẽ sớm có một con phố mang tên 2 cụ, hoặc tạc tượng 2 vợ chồng cụ để ghi nhớ công lao của họ.

 

Thanh Duyên

 

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương