Vĩnh Phúc: Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình trong nước, trong tỉnh còn có nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt.
Trước khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới, trong nước và trong tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực gắn với trách nhiệm; tập trung kiểm tra, giám sát; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tỉnh đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,26% trong 6 tháng đầu năm 2024, đứng thứ 9/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 32/63 tỉnh thành cả nước.
Theo đó, tăng trưởng ở cả 3 khu vực kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của tỉnh với mức tăng 9,1%; tiếp đó là khu vực dịch vụ tăng 6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%, thuế sản phẩm tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô giá trị gia tăng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm đạt trên 80,72 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%, khu vực dịch vụ chiếm 30,14% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,71% tổng giá trị tăng thêm.

Sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Phúc phục hồi nhanh
Xác định hoạt động của doanh nghiệp là chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chính là yếu tố quyết định để phục hồi tăng trưởng, các cấp, các ngành đã kịp thời đối thoại với các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng sản xuất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và khó khăn nội tại nền kinh tế, tác động đến tiêu dùng, sức mua giảm khiến ngành công nghiệp chủ lực là sản xuất ô tô, xe máy đều sụt giảm sản lượng và doanh số, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của tỉnh. Tổng thu ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 15.535 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa ước đạt 13.235 tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn, thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, khẳng định Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm đạt kết quả cao với tổng số vốn đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch cả năm. Thu hút vốn đầu tư DDI đạt trên 2.380 tỷ đồng, đạt 43,3% kế hoạch năm 2024.

Nhiều khu công nghiệp được các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư
Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các chỉ số thành phần thuộc chỉ số PCI được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm để nâng cao thực hiện. Hệ thống đường dây nóng tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh tiếp tục được duy trì. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan nhà nước tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021- 2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030 và giao các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng với đó. giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó vốn kế hoạch năm 2024 được giao ngay từ cuối năm 2023; tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm; chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư để kịp thời phát hiện các tồn tại, hạn chế, giải quyết các vấn đề vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 2.700 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung của cả nước, đây là yếu tố quan trọng tạo đà cho tăng trưởng của tỉnh.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Số lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng khá so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch đạt 5,89 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 2,28 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trấn Tam Đảo tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và thế giới. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại ổn định, không có biến động lớn về mức giá, sản phẩm đa dạng, chủng loại và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Hoạt động tín dụng tăng trưởng và đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công tác lập và quản lý quy hoạch tiếp tục được chú trọng, sáu tháng đầu năm 2024 tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch xây dựng; các chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị được tập trung triển khai, trong đó đã hoàn thiện trình HĐND tỉnh thông qua chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2), góp phần từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại.
Sáu tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn có diễn biến khó lường. Kinh tế Vĩnh Phúc với độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP nên sẽ chịu tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Nhiệm vụ đặt ra hết sức khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, trong đó, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công tạo động lực tăng trưởng, sẽ là những chìa khóa để trong thách thức tìm kiếm được cơ hội cho tăng trưởng, phát triển của Vĩnh Phúc trong năm 2024.
TRANSLATE with x
English
TRANSLATE with
EMBED THE SNIPPET BELOW IN YOUR SITE
Enable collaborative features and customize widget: Bing Webmaster Portal