Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, BTV Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, UBKT các cấp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể các quan điểm, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng bộ tỉnh” và Đề án số 13 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”.
BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải tăng cường nêu cao vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Người đứng đầu cấp ủy xác định rõ vai trò, trách nhiệm, trực tiếp và thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, cấp ủy cấp trên về kết quả công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, đơn vị, cơ quan mình. Đây là cơ sở quan trọng để cấp ủy, UBKT các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Xuyên trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: Dương Hà
Với tinh thần quyết liệt “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng bám sát nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy giao, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Kết luận số 01 của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Trong 9 tháng năm 2024, cấp ủy, UBKT các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 871 tổ chức Đảng và 2.557 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 149 tổ chức Đảng và 270 đảng viên; giám sát chuyên đề 525 tổ chức Đảng và 1.293 đảng viên. Qua công tác kiểm tra giám sát, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng và 222 đảng viên vi phạm.
Những kết luận, quyết định thi hành kỷ luật của cấp ủy, UBKT các cấp về những sai phạm của các tổ chức, cá nhân đã khẳng định quyết tâm của BTV Tỉnh ủy “nói đi đôi với làm”, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) thành những hành động, việc làm cụ thể. Qua đó thể hiện quan điểm nhất quán “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ tỉnh.
Đồng chí Lương Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy cho biết: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Hoàng Lâu (Tam Dương) thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ của cán bộ, công chức xã. Ảnh: Dương Hà
Tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng đổi mới phương pháp, quy trình công tác kiểm tra, giám sát theo phương châm “Giám sát phải mở rộng”, “Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, sát cơ sở”.
Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát vào những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, dư luận xã hội quan tâm, như công tác quản lý đất đai, tài chính ngân sách; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kê khai tài sản, thu nhập; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…
Tăng cường kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là tổ chức Đảng, đảng viên có nhiều dư luận phản ánh về những khuyết điểm, sai phạm… Đẩy mạnh công tác giám sát, nắm địa bàn, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp từ sớm, từ xa, không để phát sinh khiếu nại tố cáo vượt cấp, kéo dài…
Một yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đó là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ, năng lực, hiểu biết chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng, từ đó, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong tình hình mới.
PV