Vĩnh Phúc: Phòng chống cháy rừng, không để “mất bò mới lo làm chuồng”

14/11/2018 10:08

(CLO) Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại lớn về tài nguyên mà còn để lại những hậu quả khôn lường cùng nỗi ám ảnh lâu dài. Vì vậy công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCR) không thể chủ quan, nhất là khi thời tiết đang bước vào mùa hanh khô…

Người dân đốt cây làm vườn rừng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng

Đến hẹn lại... lo cháy

Bất chấp cái nắng hanh hao đổ xuống, một ngày giữa tháng 11, phóng viên theo chân các Kiểm lâm viên tới khu rừng phòng hộ dưới chân dãy Sáng Sơn (thuộc địa phận xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc).

Ông Nguyễn Lâm Tới – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Lô cho biết: “Sông Lô là một huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc. Địa bàn có diện tích rừng phòng hộ khá lớn, bao phủ toàn bộ dãy Sáng Sơn. Đơn vị đang quản lý, bảo vệ gần 4.000 ha rừng, trong đó hơn 1.500 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất.

Ông Nguyễn Lâm Tới – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Lô đi kiểm tra rừng phòng hộ. 

Tại các khu vực do đơn vị phụ trách, đời sống, thu nhập, nhận thức của đa số người dân còn thấp lại sống chủ yếu dựa vào rừng nên việc xâm lấn, phát rừng trái phép, đốt rừng để sản xuất còn diễn ra dẫn tới nguy cơ xảy ra cháy rất lớn”.

Điển hình như vụ cháy rừng ngày 21/01/2014 cháy tại lô rừng số 14, 10a, 10b, đất thuộc rừng sản xuất, diện tích cháy: 1,7 ha thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, cháy lan sang xã Quang Yên, huyện Sông Lô tại lô rừng số 166, 167, 168, 170, 171, đất thuộc rừng phòng hộ, diện tích cháy: 1,1 ha. Do thiếu hiểu biết trong việc xử lý thực bì của các hộ dân có diện tích rừng trồng sản xuất gây cháy lan...

Đốt cây làm nương rẫy rất dễ gây cháy lan vào rừng 

Cháy có thể diễn ra khắp mọi lúc, mọi nơi. Nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn, nhất là khi mùa khô đến, chúng ta có thể thấy nguy cơ này ở bất cứ đâu... Bởi vậy cứ vào mùa khô, không chỉ có Kiểm lâm, mà toàn bộ người dân có rừng đều nơm nớp lo cháy.

 Không thể lơ là

Để đảm bảo công tác PCCR có hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô đã chủ động tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR, BVR cấp huyện với 16 thành viên. Thành lập 31 tổ, đội xung kích gồm 299 thành viên thường trực PCCR. Đồng thời, yêu cầu Ban chỉ huy các xã, thị trấn kiện toàn tổ chức, nhân sự và ký cam kết bảo vệ, phòng chống cháy rừng với chủ rừng lớn

Với phương châm “phòng hơn cứu hỏa”, Hạt Kiểm lâm Sông Lô đã phân công cho các Kiểm lâm viên đến các địa phương có rừng và chủ rừng triển khai các phương án PCCR. Đồng thời thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng xuống các địa phương, đơn vị và các chủ rừng để chủ động ứng phó khi xảy ra cháy.

Ông Nguyễn Lâm Tới nhấn mạnh: “Với chức năng của mình, ngoài việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cơ sở thực hiện các biện pháp phòng ngừa; chủ động chuẩn bị máy móc, trang thiết bị, chúng tôi còn được cung cấp thông tin bởi Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các cơ quan báo chí cung cấp số liệu, thông tin cảnh báo cháy rừng. Đặc biệt lực lượng Kiểm lâm địa bàn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đường băng cản lửa, hạ cấp thực bì đồng thời xây dựng một mô hình “đường băng xanh” cản lửa trên dãy núi Sáng Sơn”.

Theo chứng kiến của phóng viên, đến thời điểm này, toàn huyện đã và đang làm mới và tu bổ gần 3 km đường băng cản lửa tại những khu vực xung yếu, tập trung ở các xã có nhiều rừng như Đồng Quế, Lãng Công, Bạch Lưu, Hải Lựu, Quang Yên.

Không để “mất bò mới lo làm chuồng”

Vào mùa khô ở nước ta (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), là thời gian phải đối mặt với nguy cơ cháy rất cao. Không chỉ các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương, mà cả người dân đều “nơm nớp” nỗi lo cháy cháy rừng.

Bên cạnh yếu tố khách quan do thời tiết, thì ý thức chủ quan của con người là một trong những nguyên nhân chính. Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng người dân đốt nương làm rẫy, đốt lửa lấy mật ong vô tình gây cháy rừng. Hay vào dịp nghỉ lễ, lượng người vào rừng tham quan, cắm trại khá đông, họ thường đốt lửa nấu, nướng thức ăn mà không hề nghĩ đến hậu quả có thể gây cháy rừng.

 Một nhóm "phượt" lên Thác Bay trên dãy Sáng Sơn

Theo phản ánh của người dân sinh sống trong khu vực danh lam Thác bay trên Núi Sáng Sơn (thuộc huyện Sông Lô), thời gian gần đây, có một số nhóm “phượt” tụ tập đốt lửa ngay trong khu danh lam để nấu nướng làm các món nhậu. Thậm chí còn nhiều nhóm vô tư đốt cây khô tạo cảnh khói lửa để chụp ảnh, quay clip “lai chim” (Live stream)… mà không hề biết đó là những nguy cơ gây cháy rừng rất lớn.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Lâm Tới cho biết: “Chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân và các chủ rừng, tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp cùng phòng Văn hóa – TT huyện, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch ban hành bộ Quy chế và có chế tài để xử lý những vi phạm trên. 

 Xa hơn nữa, để bảo vệ, ngăn chặn và phòng ngừa các nguy cơ cháy rừng nói chung và cháy tại các khu danh lam nói riêng, Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô sẽ tham mưu và đề xuất các một số biện pháp như mang những vật liệu có thể gây cháy vào rừng, không sử dụng lửa trong những ngày khô hanh, nắng nóng cao điểm tại khu vực rừng có nguy cơ cháy cao...”

Hy vọng những sự nỗ lực của lực lượng Kiểm Lâm huyện Sông Lô trong công tác tuyên truyền và thường xuyên túc trực, đi kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện tốt công tác phòng ngừa, cảnh báo cháy rừng, chắc chắn sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy rừng.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại tại khu rừng phòng hộ thuộc quản lý của lực lượng Kiểm lâm Sông Lô:

Một chủ rừng đang phát cây làm đường băng cản lửa 

 Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng

 Rừng phòng hộ Sông Lô có rất nhiều tầng cây 

Rừng được giao cho các hộ dân tự quản

 ... nên người có rừng rất có ý thức phòng chống cháy rừng

Kiểm lâm cùng chủ rừng bàn bạc thống nhất phương án PCCR

 Người dân tự phát quang cây đề phòng cháy rừng

Một người dân  vào rừng hái thảo dược


Lưu Ký

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vĩnh Phúc: Phòng chống cháy rừng, không để “mất bò mới lo làm chuồng”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO