Mặc dù trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động với 15 nhóm nhiệm vụ, 162 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể; đồng thời, phát động phong trào thi đua để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gặp mặt hội viên CLB Hưu trí.
Dự kiến kết thúc năm 2018, có 14/14 chỉ tiêu được hoàn thành, trong đó, có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,06%, vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (7,5-8%).
Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng, ước năm 2018,quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 9,56% so với năm 2017; chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã dần đi vào chiều sâu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 60,71%, khu vực nông nghiệp 8,17%, khu vực dịch 31,12%.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng 13,54% so với năm 2017 và là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh tiếp tục phát triển tốt, thị trường tiêu thụ được mở rộng, trong đó, sản phẩm linh kiện điện tử có doanh thu tăng 22,3% so với năm 2017.
Đối với sản phẩm ô tô, do giá giảm nên lượng xe tiêu thụ tương đối cao, ước cả năm sản lượng sản xuất ô tô đạt 62,39 nghìn chiếc, tăng 19,8% so với năm 2017. Sản phẩm xe máy nhờ sự tích cực trong việc cải tiến về mẫu mã, kiểu dáng, mở rộng thị trường nên sản lượng sản xuất ước đạt 2,156 triệu chiếc, tăng 3,16% so với năm 2017.
Đáng chú ý là dịch vụ du lịch phát triển khá, lượng du khách đến tham quan và du lịch tại tỉnh trong năm 2018 ước đạt 5,2 triệu lượt người, tăng 15% so với năm 2017; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; thu hút đầu tư vượt mục tiêu đề ra.
Đã tổ chức khánh thành giai đoạn I và khởi công giai đoạn II của Khu công nghiệp Thăng Long, do Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đầu tư, làm tiền đề để thu hút các nhà đầu tư; hoàn thiện các thủ tục để đầu tư cụm công nghiệp Hùng Vương - Phúc Thắng để mở rộng nhà máy TOYOTA; mời gọi nhiều nhà đầu tư quan tâm để nghiên cứu đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; dự kiến toàn tỉnh có 103/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 92% tổng số xã trên toàn tỉnh. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được tỉnh tập trung chỉ đạo.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặt ra chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng khoảng 8,0 - 8,5% so với năm 2018; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33-34% GRDP theo giá hiện hành; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 28 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 500 triệu USD và vốn DDI đạt 3 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm 0,5-1% so với năm 2018; giải quyết việc làm mới cho khoảng 23 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%; có 12 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89%; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 85%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 24,66%.
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải thích những nội dung hội viên CLB Hưu trí tỉnh quan tâm, đồng thời, mong muốn các hội viên tiếp tục đồng hành và có những đóng góp quan trọng để xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
P.V