Chỉ khi bạn làm một sự khác biệt mới để lại dấu ấn
+ VietnamPlus là báo điện tử đi tiên phong trong việc xây dựng các bài báo điện tử theo phong cách tạp chí (e-magazine). Vậy đâu là lý do thúc đẩy VietnamPlus đi theo xu hướng này?
- Thực tế, “tổng công trình sư” của ý tưởng này là nhà báo Lê Quốc Minh hiện là Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, còn tôi là “cánh tay phải” thực hiện. Mỗi cơ quan lại đặt cho các tác phẩm báo chí chuyên sâu của mình bằng một cái tên, như Mega Story hay e-Magazine, song cũng đều là một dạng thức của “Long-form Storytelling”. Quan trọng nhất là cuộc đua chất lượng như thế đang đem lại lợi ích cho tất cả. Không chỉ độc giả Việt Nam mà độc giả thế giới đã đến lúc chán ngán những thông tin “click-bait” (câu view), hay tệ hơn nữa là “fake-news” vốn đang lan tràn trên mạng xã hội. Họ mong muốn được đọc những bài báo có giá trị như họ đã từng rất thích, rất nhớ các bài phóng sự chất lượng trên báo in. Tuy nhiên, giờ là thời đại của công nghệ mới. Những bài báo như thế vẫn có thể đường hoàng xuất hiện trên các trang báo mạng. Và quan trọng hơn là nó sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều nhờ những ưu thế vượt trội của báo điện tử. Chúng tôi có trong tay những phóng viên tâm huyết, đồng thời giải quyết được bài toán kỹ thuật - công nghệ. Phần việc còn lại chỉ là làm thế nào để bày biện những món ăn thịnh soạn nhất đến cho độc giả.
Nhà báo Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Vietnamplus
+ Ý anh là, đây có thể được coi là lối thoát của báo chí Việt trong kỷ nguyên mạng xã hội, xu hướng này có thực sự là hướng đi lâu dài và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay không?
- Dĩ nhiên là không ai có thể khẳng định Mega Story sẽ tồn tại được lâu dài, vì rất có thể khi công nghệ phát triển hơn, xuất hiện những giải pháp online linh hoạt hơn, tiết kiệm chi phí hơn, hoặc thậm chí là xuất hiện một dạng thức nội dung mới còn thú vị hơn cả Mega Story hiện nay.
Nhưng không thể phủ nhận rằng, đây quả thực là một hướng đi chuẩn chỉ, đưa báo chí trở lại con đường đúng chức năng, nhiệm vụ của nó là định hướng độc giả, cung cấp những giá trị mang tính cốt lõi của báo chí, thay vì chạy đua về tin tức với mạng xã hội. Đã qua rồi cái thời báo chí cho gì độc giả đọc nấy, nhưng cũng đã đến lúc họ chán những thông tin giật gân câu khách để tìm kiếm những thông tin có giá trị.
Hơn nữa, trong số vô vàn tờ báo, trang mạng hiện nay, thật khó để độc giả nhớ đến tên một tờ báo hay tác giả nào đó, vì tình trạng xào xáo lẫn nhau, hoặc cả làng báo chạy theo một trào lưu tin tức nào đó. Mà trên môi trường mạng xã hội, thông tin thường chảy liên tục, làn sóng sau dập làn sóng trước nên những cách đưa tin thông thường đã trở thành nhàm chán. Chỉ khi bạn làm một sự khác biệt mới để lại dấu ấn. Đi sâu hơn các vấn đề đằng sau sự kiện mới chính là chức năng quan trọng của báo chí hiện nay. Và đó là cách mà chúng tôi đang đi.
Đã đến lúc xua đi “định kiến” về báo điện tử
+ Thực ra, trên thế giới xu hướng này đã có từ năm 2012, còn ở Việt Nam, câu chuyện của Mega Story được VietnamPlus bắt đầu như thế nào, thưa anh?
- Mega Story gồm những phóng sự đặc biệt, những bài viết chuyên sâu của VietnamPlus được trình bày theo phong cách mới lạ và hấp dẫn, bắt kịp xu hướng mới của báo chí thế giới, đem lại trải nghiệm đa phương tiện cho độc giả. Phóng viên có thể đăng kí đề tài hoặc đề tài do BBT giao và phóng viên của chúng tôi đều phải đa–zi-năng, tác nghiệp trên mọi mặt trận thông tin, không chỉ viết báo, quay phim, chụp ảnh, mà còn thạo cả các kỹ năng phân tích dữ liệu, thiết kế, viết code... thích ứng được với các loại hình báo chí mới mẻ như data journalism (báo chí dữ liệu), visual journalism (báo chí thị giác).
Vì thế, nhiều sản phẩm Mega Story của chúng tôi phải huy động tới hàng chục con người, ở mọi khâu, mà có lẽ cần phải gọi là “chiến dịch thông tin”. Đơn cử như sản phẩm báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh hồi năm 2015. Khi đó, chúng tôi phỏng vấn 70 nhân vật đại diện cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội, để họ chia sẻ ký ức, cảm xúc về ngày Quốc Khánh 2/9.
Sản phẩm Mega Story này về hình thức không khác gì một “trang con” trên VietnamPlus, kết hợp đủ mọi loại hình từ infographics, interactive, video, audio, dữ liệu… với phần đầu là giới thiệu về chặng đường 70 năm phát triển, phần sau đó là các bài phỏng vấn 70 nhân vật, cứ bấm vào ai là hiện ra bài phỏng vấn, video.
Trong một chuyến tập huấn với các chuyên gia của Hiệp hội báo chí và xuất bản thế giới WAN -IFRA đầu năm 2016 tại Myanmar, chính vị giảng viên là người phụ trách mảng nội dung số của tờ Washington Post cũng đã phải ngạc nhiên khi thấy một tờ báo tại Việt Nam có thể thực hiện sản phẩm công phu như thế này.
Sản phẩm sau đó cũng đoạt giải báo chí đối ngoại toàn quốc, cũng như nhiều tác phẩm đoạt giải khác của VietnamPlus.
Sự thừa nhận của giới chuyên môn, và quan trọng hơn hết là sự đón nhận của độc giả, trực tiếp cũng như qua chia sẻ trên mạng xã hội, đã tiếp sức cho chúng tôi đi theo con đường này. Vậy nên, những ngày đầu vận động phóng viên làm Mega Story thì khó chứ bây giờ thì phóng viên tranh nhau làm, thậm chí phải xếp hàng để được chọn đăng tải.
Nhà báo Hoàng Nhật trong buổi giảng dạy về truyền thông xã hội
+ Khiến phóng viên say mê đến thế, hẳn là những thành công đem lại từ xu hướng này là không nhỏ?
- Đúng vậy. Chúng tôi gặt hái được nhiều thành công, trước hết là từ phía tòa soạn, với Megastory chúng tôi được làm nghề một cách tử tế, nhiều phóng viên trước đây cũng từng lao vào các tin giật gân, câu view, viết những bài báo bình thường, đơn giản nhưng bây giờ họ đã thay đổi tư duy, say mê, hứng thú làm Mega Story. Những tác phẩm có chiều sâu như thế cũng là một cách để tôn vinh chính tác giả, các phóng viên có thể tự hào rằng, mình đã đeo bám sự kiện đến cùng và dành tâm sức cho một sản phẩm một cách hiệu quả và xứng đáng nhất. Đặc biệt là mấy năm gần đây Vietnamplus liên tục nhận được các giải báo chí lớn và hầu hết các tác phẩm đó đều thực hiện theo phong cách này. Thứ hai là từ phía độc giả, chúng tôi được sự ủng hộ, đón nhận.Từ phía đồng nghiệp thì nhận được sự tôn trọng. Mặc dù hiện nay có nhiều tòa soạn cũng đang triển khai thực hiện các bài báo theo định dạng long-form, nhưng nói đến loại hình này thì trước tiên phải nhắc đến VietnamPlus với tư cách là đơn vị đi tiên phong. Được độc giả biết đến tên, đồng nghiệp biết đến tên, được tôn vinh bằng các giải thưởng và quan trọng hơn là đóng góp tích cực cho xã hội mới là điều mà người làm báo hướng đến. Và giá trị ấy không thể đong đếm bằng lượng pageviews.
+ Tôi còn nhìn thấy diện mạo một tờ báo điện tử có phần “sang trọng” hơn khi sử dụng loại hình này?
- Điều đó là chắc chắn. Đó là một xu hướng tất yếu và không phải ngẫu nhiên mà từ năm ngoái đến năm nay, Hiệp hội báo chí thế giới liên tục mở các cuộc hội thảo về vấn đề này. Thể loại Mega Story đã góp phần làm cho độc giả định hình được thế nào là một tờ báo điện tử. Đã đến lúc xua đi “định kiến” về báo điện tử là báo câu view rẻ tiền, đưa tin không chính xác... Thay vào đó là một tờ báo với những bài viết tử tế, sang trọng, với nội dung chuyên sâu và một cú click chuột có thể đến tay độc giả ngay lập tức. Tôi nhìn thấy rõ, cán cân đã có sự thay đổi, đã đến lúc chúng ta cần có một định nghĩa lại thế nào là báo điện tử. Dĩ nhiên, đó là một kênh truyền thông uy tín với những ưu thế vượt trội không thể phủ nhận.
+ Vâng, xin cảm ơn anh!
Hà Vân
(Thực hiện)