Với những dự án chậm triển khai, đề nghị thu hồi để đầu tư xây dựng trường học

07/09/2023 18:41

(CLO) Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên tại buổi làm việc của Đoàn khảo sát Thường trực HĐND TP Hà Nội với UBND quận Đống Đa về công tác tuyển sinh đầu cấp; xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn, ngày 7/9.

Theo báo cáo, trên địa bàn quận Đống Đa hiện có 88 trường/21 phường, trong đó, cấp Mầm non có 39 trường, cấp Tiểu học có 24 trường, cấp THCS có 19 trường và 6 trường THPT. 

voi nhung du an cham trien khai de nghi thu hoi de dau tu xay dung truong hoc hinh 1

Quang cảnh buổi làm việc

Tính đến tháng 7/2023, toàn quận có 42/63 trường (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,67%. Tổng số trường THPT công lập trên địa bàn quận đạt chuẩn quốc gia là 4/6 trường (đạt tỷ lệ 66,67%). 

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, theo lãnh đạo quận Đống Đa, việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn quận hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do diện tích một số trường nhỏ, hẹp, thiếu phòng học chức năng/phòng học bộ môn, diện tích phòng học không đảm bảo... không đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành, khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, một số trường do không thể đầu tư bổ sung (vướng quy hoạch, một số hạng mục mới cải tạo, không đủ nguồn lực, diện tích đất không đủ,…) dẫn đến khó khăn trong việc công nhận lại. 

Về việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, phổ thông trên địa bàn, lãnh đạo quận khẳng định, việc đầu tư cho giáo dục đào tạo luôn được quận Đống Đa ưu tiên coi trọng, với nguồn đầu tư lớn từ ngân sách cũng như công tác xã hội hóa cho giáo dục luôn được đẩy mạnh, quy mô trường lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong quận, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thường xuyên được đầu tư, nâng cấp sửa chữa và bổ sung, chất lượng đội ngũ giáo viên của các bậc học đều đạt chuẩn và trên chuẩn.

Tuy nhiên, là quận trung tâm của Hà Nội, với dân số cơ học tăng nhanh nên dẫn đến tình trạng quá tải số lượng học sinh đến lớp. Trong khi đó, quy hoạch đất dành cho giáo dục còn thiếu nhiều so với nhu cầu, diện tích đất nhiều trường không lớn, sát nhà dân nên việc mở rộng, xây trường mới rất khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư lớn nhưng số lượng trường chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu; cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục khu vực ngoài công lập còn nhiều hạn chế; vẫn còn thiếu 04 trường tiểu học và 06 trường THCS trên địa bàn quận.

Để khắc phục những hạn chế trên, UBND quận Đống Đa kiến nghị TP xem xét ưu tiên quỹ đất cho giáo dục để có điều kiện mở rộng và xây mới các trường công lập, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác xây dựng trường học theo đúng quy định.

Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng. Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đảm bảo có đủ chỗ đạt chuẩn cho học sinh mầm non, phổ thông. Với các quận nội thành, diện tích của quận, phường nhỏ hẹp nên tiêu chí mỗi phường có ít nhất 01 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường trung học cơ sở rất khó thực hiện.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên ghi nhận những kết quả của quận Đống Đa đã đạt được trong công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và cải tạo, xây mới trường học. 

Ghi nhận ý kiến, đề xuất của quận, ông Phạm Quí Tiên đề nghị Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND TP tổng hợp vào báo cáo chung, trong đó, đặc biệt chú ý những kiến nghị về cơ chế chính sách để thực hiện ngay và những chính sách lâu dài. Đề xuất TP cơ cấu về quỹ đất để xây dựng trường học công lập. Với những dự án chậm triển khai, đề nghị thu hồi để đầu tư xây dựng trường học.

Đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Liên quan đến việc đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị quận Đống Đa rà soát theo hướng chuẩn hoá tất cả các điểm theo quy hoạch để có bức tranh tổng thể về quy hoạch mạng lưới giáo dục, trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, kiến nghị với TP phân cấp lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn.

PV

    Nổi bật
        Mới nhất
        Với những dự án chậm triển khai, đề nghị thu hồi để đầu tư xây dựng trường học
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO