Đường dây điện dẫn ra khu vực thi công của công trường thi công
dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum. Ảnh: Đất Việt
Mấy ngày qua, thầy cô, học trò trường THCS Xuân Trường (phường Linh Xuân, Thủ Đức, TP HCM) vô cùng bàng hoàng, xót xa trước cái chết thương tâm của em Huỳnh Minh Khánh, học sinh lớp 7 của trường. Trên đường đi học về, Khánh đã vướng vào sợi dây điện câu mắc từ Trạm y tế phường Linh Xuân ra công trường thi công dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum và bị điện giật đẫn đến tử vong.
Nhưng đáng nói là sau khi sự việc xảy ra, các đơn vị liên quan lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ông giám đốc Điện lực Thủ Đức cho rằng: Khu vực xảy ra tai nạn nằm trong phạm vi công trường và trạm y tế phường Linh Xuân nên “không thuộc sự quản lý lưới điện của Điện lực Thủ Đức”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyền, chỉ huy phó công trình dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum thì cho rằng: Hiện nay, công trường không có hoạt động nào liên quan đến điện nên không câu điện từ trạm y tế phường ra ngoài. “Những dây điện còn vương vãi là của trạm y tế phường Linh Xuân”.
Về phía lãnh đạo trạm y tế thì họ từ chối trả lời báo chí do “phải đợi cơ quan điều tra”.
Khu vực em Khánh bị nạn đã được ngăn lại để phục vụ công tác điều tra.
Thực tế tại hiện trường, sau khi tai nạn xảy ra vẫn còn nhiều sợi dây điện được kéo ra từ trạm y tế phường dẫn ra khu vực thi công của công trường Suối Nhum. Hơn nữa, việc thi công vẫn chưa hoàn tất.
Nếu không đơn vị nào thừa nhận đường dây điện gây tai nạn cho em Khánh là của mình thì đường dây điện đó từ đâu mà ra?
Trạm y tế có thể không câu mắc điện nhưng lẽ nào một kẻ nào đó bên ngoài nhảy vào câu điện của trạm mà không ai hay biết? Việc quản lý điện nói chung và các tài sản khác của trạm y tế phường Linh Xuân được thực hiện như thế nào?
Dù công trường không có hoạt động nào liên quan đến điện nhưng việc thi công luôn phải đảm bảo an toàn về mọi mặt. Chỉ huy công trường sẽ nói gì về thực tế là trong mớ dây kẽm gai lùng nhùng của công trường có điện, nguy cơ dẫn đến chết người?
Có thể là Điện lực Thủ Đức không thể kiểm soát hết việc sử dụng điện của hàng ngàn cơ quan, đơn vị, hộ dân nhưng đối với đơn vị sử dụng điện lớn là công trường thi công dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum thì họ không thể không thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.
Rồi đây nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong đến cái chết thương tâm của em Khánh sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng dư luận vẫn cần một lời xin lỗi ngay từ hôm nay, coi như một cử chỉ thiện chí của các đơn vị liên quan.
Công luận
Theo bạn, các đơn vị liên quan nên giải quyết vấn đề trên như thế nào cho hợp lý? Họ có nên từ chối nhận trách nhiệm chỉ vì cơ quan điều tra chưa làm rõ vụ việc?
Mời bạn gửi phản hồi cho tòa soạn vào ô thảo luận cuối bài viết (vui lòng điền đầy đủ thông tin và gõ nội dung bằng tiếng Việt có dấu)
Trân trọng cảm ơn!
____________________________________________________________________________
Tôi không hiểu nổi!
Thỉnh thoảng ở Việt Nam ta lại có 1 vụ điện giật chết trẻ con đi trên đường. Vừa chưa nguôi ngoai chuyện em trai bị điện rò giật chết ở TP HCM, lại đến chuyện này. Theo tôi có 3 nguyên nhân. Đầu tiên là của người dân, người quản lý điện chưa có ý thức. Tiếp đến là các cơ quan chức năng xử lý không nghiêm. Nhưng cũng phải nhìn cả trách nhiệm của báo chí. Lúc phanh phui thi làm to, đưa tin ầm ĩ, khi xử phạt thì chả tuyên truyền là mấy. Vậy thì cũng chẳng mấy người vì thế thấy sợ, thấy lo.
Lại một em bé chết vì điện. Bao giờ sẽ đến em tiếp theo? Tôi không hiểu ! Có ai trong cuộc thấy mình có lỗi và rút được kinh nghiệm gì sau mỗi mất mát to lớn dường này?
Duy Phuong