(CLO) Liên quan đến vụ máy in C1100 hiệu Konica Minolta có dấu hiệu nâng khống giá bán hơn 2 tỷ đồng tại TP.HCM, mới đây phóng viên đã tiếp cận một số thông tin được cho là hết sức quan trọng thể hiện sự “bất minh” về giá của Công ty Sao Nam và cả KMV.
Konica Minolta Việt Nam: Cùng một sản phẩm giá chênh nhau 2 tỷ đồng?
Bảng báo giá “tố giác” chủ nhân!
Trong quá trình tiếp cận các thông tin khách quan liên quan đến vụ máy in C1100 hiệu Konica Minolta có giá chênh lệch tiền tỷ, phóng viên mới biết đến câu chuyện vì quá bức xúc trước việc bị lừa mua giá cao nên “khổ chủ” đã dày công nghiên cứu quyết tìm cho ra được bằng chứng để chứng minh việc nâng khống giá bán là có cơ sở.
Trưng ra hàng loạt bảng báo giá với nhiều loại giá khác nhau, ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Công ty TNHH Phát hành Sách Sài Gòn (Saigonbook) chia sẽ: “phải mất nhiều tháng trời mình mới có được những bảng báo giá được cho là hết sức bình thường như thế này, nhưng trên thực tế nếu chỉ dùng tên một công ty để dò giá thì chắc chắn sẽ không moi ra được bằng chứng khác biệt thể hiện việc chênh lệch giá tiền tỷ này đâu”.
Xem qua một vài bảng báo giá trong cùng một thời điểm do chính Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) và các đại lý ủy quyền báo giá thì phóng viên mới phát hiện sự bất thường về độ chênh lệch giá lên đến tiền tỷ của cùng một sản phẩm.
Cụ thể máy in màu kỹ thuật số Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta tại thời điểm tháng 7/2015 có nhiều giá chênh lệch như: Ngày 20/7/2015 KMV báo giá cho khách hàng là 2,2 tỷ đồng, đến ngày 23/7/2015 KMV báo giá gửi cho Công ty CP Giám định Sài Gòn Control lại tăng lên 3,3 tỷ đồng, tăng hơn 1,1 tỷ đồng.
Ngày 16/7/2015 Công ty TNHH Thương mại Tư vấn Kỹ thuật Sao Nam (Sao Nam) báo giá cho khách hàng là 2 tỷ đồng. Ngày 17/7/2015 Công ty TNHH TMDV Sao Nam An báo giá hơn 3,8 tỷ đồng. Cũng trong ngày 17/7/2015 nhưng với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Sài Gòn (STS) thì báo giá chỉ có 1,8 tỷ đồng, so với Cty Sao Nam An rẻ hơn 2 tỷ đồng. Ngày 20/7/2015 STS báo giá cho Công ty CP In 474 giá chỉ 1,7 tỷ đồng/máy…
Trước đó ngày 14/10/2014, Sao Nam báo giá cho Saigonbook là hơn 3,8 tỷ đồng/máy trong đó giảm giá 20% còn lại gần 3,1 tỷ đồng/máy.
[caption id="attachment_51969" align="aligncenter" width="497"]
Ngày 17/7/2015, Công ty TNHH TMDV Sao Nam An báo giá máy in Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta với giá hơn 3,8 tỷ đồng[/caption] [caption id="attachment_51980" align="aligncenter" width="412"]
Nhưng cũng trong ngày 17/7/2015, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Sài Gòn (STS) báo giá máy Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta chỉ có 1,8 tỷ đồng[/caption]
Với những thông tin trên có thể dễ dàng nhận thấy sự không đồng nhất về giá đối với một sản phẩm, hay nói cách khác là có dấu hiệu nâng khống giá bán hòng thu lợi nhuận cao. Điều này không chỉ diễn ra đối với các đại lý ủy quyền của KMV mà ngay cả chính KMV cũng có báo giá chênh lệch 1,1 tỷ đồng trên cùng một sản phẩm chỉ sau 3 ngày là điều hết sức bất thường về chính sách giá của thương hiệu này?
Và như vậy, nếu phải có lời giải thích nào cho việc biện minh về giá chênh nhau tiền tỷ đối với một sản phẩm trong cùng một thời điểm thì câu trả lời đó chỉ càng làm tăng thêm sự nghi ngờ, bởi chính những bảng báo giá đẹp đẽ trên đã phần nào tố giác sự “bất minh” của KMV và một số đại lý ủy quyền trong chính sách giá bán tại thị trường Việt Nam?
Vạch trần… dấu hiệu nâng khống giá bán!
Một bằng chứng sinh động khác nữa cũng góp phần cùng với những bảng báo giá tiếp tục minh chứng cho việc nâng khống giá bán là hoàn toàn có cơ sở đó là “Chứng thư thẩm định giá” do Công ty Thẩm định giá Sài Gòn thiết lập.
Cụ thể, sau khi Saigonbook có được hàng loạt bằng chứng về giá máy in C1100 hiệu Konica Minolta thể hiện rõ việc nâng khống giá bán hàng tỷ đồng. Ngay lập tức Saigonbook đã tiến hành các thủ tục để thẩm định giá nhằm tìm sự thật.
Tại kết quả thẩm định của Công ty Thẩm định giá Sài Gòn ký ngày 06/8/2015 nêu rõ: “Trên cơ sở khảo sát, phân tích các dữ liệu thị trường và áp dụng các phương pháp thẩm định giá tiên tiến, phù hợp với tài sản thẩm định giá tại thời điểm thẩm định có kết quả như sau: Giá trị máy in KTS Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta thời điểm tháng 07/2014 có giá thị trường là 1,9 tỷ đồng (kết quả thẩm định có độ sai lệch “cộng hoặc trừ” 10% so với giá thị trường).
[caption id="attachment_51973" align="aligncenter" width="646"]
Chứng thư thẩm định giá đã góp phần bóc trần dấu hiệu nâng khống giá bán[/caption]
Như vậy, kết quả thẩm định giá được xem là một bằng chứng pháp lý quan trọng chứng minh cho việc nâng khống giá bán là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó vào tháng 10/2014 Saigonbook có mua máy in C1100 hiệu Konica Minolta từ Công ty Sao Nam với giá khoản 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi biết mình bị lừa mua giá cao khổ chủ đã quyết đi tìm chân lý bằng cách mua thêm một máy in cùng loại khác nữa với giá chỉ khoản 1,3 tỷ đồng (từ một đại lý khác của KMV) để có được bằng chứng “sống” nhằm vạch trần thủ đoạn nâng khống giá bán của Sao Nam.
Đề nghị mua lại máy với điều kiện “trời ơi”!
Mới đây, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh về nghi án nâng khống giá bán máy in C1100 hiệu Konica Minolta thì ngày 07/10/2015, Cty Sao Nam đã gửi đề nghị chính thức tới Saigonbook để mua lại máy in C1100 với giá hơn 3,1 tỷ đồng kèm theo các điều kiện như: Saigonbook phải gửi văn bản xin lỗi đến Sao Nam và KMV về những phát ngôn không đúng sự thật, không đúng luật….; Saigonbook phải gửi văn bản đến các tổ chức, cơ quan truyền thông, khách hàng của KMV… để đính chính lại những thông tin sai sự thật mà Saigonbook đã gửi đi; Saigonbook phải cam kết không thực hiện bất cứ hành động hoặc tuyên bố không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Sao Nam và KMV dưới bất kỳ hình thức nào…
[caption id="attachment_51975" align="aligncenter" width="885"]
Sao Nam chính thức gửi đề nghị mua lại máy in C1100 hiệu Konica Minolta từ Saigonbook[/caption]
Không hiểu vì lý do gì mà Sao Nam gửi đề nghị mua lại máy của khách hàng? Liệu có phải Sao Nam sợ thông tin này lùm xùm sẽ gây mất uy tín, hoặc sợ báo chí vào cuộc phanh phui, hay là điều gì khác nữa có thể gây tổn hại đến việc kinh doanh, phát triển thương hiệu Sao Nam và cả KMV? Có lẽ câu trả lời trong câu chuyện này chỉ dành riêng cho Sao Nam!
Chỉ lạ một điều bắt khách hàng đang phẩn nộ, bức súc, thiệt thòi… vì mua hàng chênh lệch giá hơn hai tỷ đồng đi xin lỗi người bán, đính chính thông tin về sự thật trên và cam kết không thực hiện lại những thông tin kiểu gây ảnh hưởng đến uy tín của người bán là điều hết sức lạ đời, mà chắc chỉ riêng Sao Nam mới dám gửi đề nghị này…?
Đến giờ phút này, cả Sao Nam và KMV vẫn chọn phương thức im lặng với báo chí thay vì lên tiếng để bảo vệ hoặc thanh minh cho chính mình?
Báo Congluan online sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tiếp theo đến bạn đọc.
Chính Kỳ