Vụ rừng biên giới Gia Lai bị phá tan hoang: Chưa đầy 1 tháng “lâm tặc” triệt hạ gần 400 cây rừng
(CLO) Lực lượng chức năng huyện Chư Prông (Gia Lai) xác định có gần 400 cây gỗ bị triệt hạ trong vụ phá rừng mà Báo Nhà báo và Công luận đã phản ánh. Hạt Kiểm lâm đang hoàn tất các thủ tục để ra quyết định khởi tố vụ phá rừng tại tiểu khu 1001 (xã biên giới Ia Mơ).
Gần 400 cây gỗ bị triệt hạ, hàng nghìn m2 rừng biên giới bị tàn phá
Liên quan đến bài phản ánh “Rừng biên giới Gia Lai bị phá tan hoang, hàng trăm cây rừng bị triệt hạ nằm la liệt” của Báo Nhà báo và Công luận, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông nhanh chóng kiểm tra, làm rõ thông tin báo nêu.
Sau quá trình kiểm tra, xác minh, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông đã có báo cáo cụ thể gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai. Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng trên địa bàn huyện Chư Prông có 4 vụ phá rừng, trong đó 3 vụ ở xã Ia Mơ và một vụ thuộc xã Ia Puch. Tổng số cây gỗ bị triệt hạ 386 gốc thuộc 4 tiểu khu.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng “lâm tặc” đã triệt hạ gần 400 cây rừng ở khu vực biên giới huyện Chư Prông (Trần Hiền)
Vụ phá rừng thứ nhất xảy ra tại tiểu khu 932 (địa giới hành chính xã Ia Púch) thuộc rừng sản xuất, lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Púch. Tại hiện trường, có 76 cây rừng, chủng loại Cà Chít, Dầu và SP bị thiệt hại trong đó có 74 cây bị khoan gốc, đổ hóa chất và 2 cây bị ken vào thân cây. Tại thời điểm kiểm tra đa số cây bị khoan đổ hóa chất cành lá đã khô; một số cây chảy nhựa ra bên ngoài thân cây.
Tiếp đó là vụ phá rừng quy mô lớn tại khoảnh 4 và khoảnh 5, tiểu khu 1001, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ la Meur quản lý, địa giới hành chính xã Ia Mơ. Tổng số cây rừng bị khai thác lên đến 204 cây, chủng loại căm xe, cà chít, dầu. Tại thời điểm kiểm tra chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Hàng nghìn m2 rừng biên giới bị tàn phá trong sự bất lực của chủ rừng (ảnh Trần Hiền)
Trong khi đang xác minh, làm rõ các đối tượng phá rừng ở 2 tiểu khu trên thì tại lô 8 khoảnh 4 tiểu khu 1012, thuộc lâm phần do UBND xã Ia Mơ quản lý tiếp tục xảy ra vụ chặt phá cây rừng. Diện tích rừng bị “phá trắng” khoảng 2.800m²; tổng số cây bị chặt hạ 53 cây chủng loại: Bình linh, Bằng lăng, Thành ngạnh, Trâm, Konia… Tại hiện trường xác định đối tượng dùng cưa máy để cắt hạ cây rừng với mục đích là phá để lấy đất canh tác nông nghiệp.
Cuối cùng là vụ phá rừng mới nhất xảy ra tại tiểu khu 1008 thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý, thuộc rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Theo đó, diện tích bị chặt phá là 3.105m², tổng số cây rừng bị chặt hạ là 53 cây. Toàn bộ số gỗ bị triệt hạ đều nằm tại hiện trường.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn tại tiểu khu 1008 bị cưa hạ không thương tiếc (ảnh Trần Hiền)
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Công an huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, lập hồ sơ xác định thiệt hại. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chủ rừng và các đơn vị liên quan điều tra, xác định đối tượng vi phạm để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyên nhân nào khiến rừng biên giới bị phá tan hoang?
Riêng đối với vụ phá rừng tại tiểu khu 1001 – thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để ra quyết định khởi tố, chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT.

Hạt kiểm lâm đang hoàn tất thủ tục để ra quyết định khởi tố vụ phá rừng tại tiểu khu 1001 và tiếp tục làm rõ các vụ phá rừng khác (ảnh Trần Hiền)
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Dục – Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết: “Liên quan đến vụ phá rừng tại tiểu khu 1001, cơ quan chức năng xác định đã đủ điều kiện để khởi tố vụ án. Hiện Hạt Kiểm lâm đang làm việc với Công an huyện, VKSND huyện Chư Prông hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị khởi tố theo quy định. Đối với những vụ phá rừng ở các tiểu khu còn lại, hiện các lực lượng chức năng đang kiểm đếm, làm rõ từng vụ một. Vụ nào thuộc xử lý hành chính thì xử lý hành chính, vụ nào vượt quá khối lượng hoặc diện tích xử lý hành chính thì sẽ khởi tố”.
Nguyên nhân khiến từng vạt rừng thuộc khu vực biên giới xã Ia Mơ bị “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá rõ ràng không thể thiếu sự buông lỏng quản lý của các chủ rừng. Tuy nhiên, phần cũng do bấp cập từ việc chuyển đổi vùng tưới dưới chân đập Thủy lợi Ia Mơ.

Tổng số cây gỗ bị triệt hạ là 386 gốc thuộc 4 tiểu khu (ảnh Trần Hiền)
Theo lý giải của ông Lê Anh Dục: “Trước đó, dự kiến sẽ chuyển đổi 4.700 ha rừng trên địa bàn xã Ia Mơ để trồng những cây nông nghiệp, phục vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, sau này Chính phủ không đồng ý cho chuyển đổi diện tích rừng lớn như vậy.
Mặt khác quá trình làm thủ tục chuyển đổi, thời gian kiểm kê rừng kéo dài, theo dự kiến đã đưa diện tích đó ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Chính vì vậy, một số người dân tranh thủ lấn chiếm trước để sau này sử dụng và nếu như nhà nước thu hồi xây dựng công trình thì sẽ được đền bù”.

Nhiều thân gỗ bị cắt khúc tại hiện trường chưa kịp mang đi tiêu thụ (ảnh Trần Hiền)
Cũng theo ông Dục, nguyên nhân khiến rừng liên tục bị xâm hại trong thời gian vừa qua, phần còn do thiếu lực lượng bảo vệ rừng trong khi diện tích rừng được giao bảo vệ rất lớn. Hai năm gần đây nhân viên bảo vệ rừng liên tiếp xin nghỉ việc vì đồng lương thấp, áp lực công việc nặng nề. Hiện tất cả từ kiểm lâm đến ban quản lý rồi UBND xã đều thiếu lực lượng bảo vệ rừng.
Ngoài ra, trên địa bàn xã Ia Mơ có trên 50% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên họ dựa vào rừng là chủ yếu. Vì vậy khó tránh khỏi tình trạng một số người dân thiếu ý thức vẫn lén lút vào rừng cưa hạ cây nhằm mục đích lấy gỗ về để làm nhà, cơi nới nương rẫy, lấn chiếm đất rừng để canh tác sản xuất nông nghiệp. Cùng với địa hình bằng phẳng, có nhiều tuyến kênh tưới chạy qua rừng tự nhiên nên công tác quản lý bảo vệ rừng cũng gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ bị triệt hạ, rừng biên giới Ia Mơ còn liên tục bị "bức tử" (ảnh Trần Hiền)
“Trước tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban ngành làm tốt công tác phối hợp để tuyên truyền, kiểm tra, truy quét, tập trung các lực lượng thường xuyên chốt chặn ở những khu vực trên. Ngoài ra, chúng tôi sẽ làm việc với Ban quân sự huyện cho sử dụng lực lượng dân quân thường trực cùng hỗ trợ trong công tác bảo vệ rừng.
Đồng thời làm việc với các xã tăng cường thêm lực lượng phối hợp với biên phòng, kiểm lâm, ban quản lý rừng tuần tra, truy quét ngăn chặn phá rừng”, ông Dục cho hay.