Nhan nhản công trình cải tạo không phép
Thời gian gần đây tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra tràn lan trên địa bàn quận Tây Hồ, phá vỡ quy hoạch đô thị khu vực Hồ Tây. Một trong những phường để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép nhiều có thể kể đến là phường Yên Phụ.
Tại đây, các công trình xây dựng, cải tạo không phép đua nhau “nở” rộ. Theo quy hoạch, nhà mặt tiền đường Làng Yên Phụ được cấp phép xây dựng 12m (tương đương 3 tầng), nhưng vẫn thấy xuất hiện hàng loạt nhà có hiện trạng 4 tầng 1 tum, cải tạo, cơi nới, tự ý chồng thêm nhiều tầng trên tuyến đường Làng Yên Phụ.
Công trình sai phạm tại phường Yên Phụ lại được mọc lên như "nấm sau mưa" khi có quyết định kiểm điểm cán bộ vì đã để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng của UBND TP. Hà Nội.
Công trình đầu tiên có thể kể đến là công trình số 91G Làng Yên Phụ. Công trình này xây dựng, cải tạo không có giấy phép xây dựng. Trước đó, công trình có hiện trạng 4 tầng 1 tum, thế nhưng tại thời điểm thực địa công trình đã cơi nới lên 5 tầng 1 tum.
Trước hành vi cải tạo không phép, ngày 24/4/2018, UBND phường Yên Phụ đã ra thông báo số 63/TB-UBND về việc yêu cầu đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong thời gian đình chỉ thi công, UBND phường Yên Phụ yêu cầu ông Nguyễn Hữu Bàng (chủ nhà) hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép xây dựng. Chủ nhà không hoàn thiện được giấy phép cải tạo sửa chữa, nhưng vẫn cho thợ thi công cơi nới, hoàn thiện căn nhà. Phải chăng việc UBND phường Yên Phụ ban hành thông báo cho có lệ?.
Cách đó không xa là công trình xây dựng 55 làng Yên Phụ. Công trình này cải tạo, sửa chữa cơi nới không phép. Công trình này có hiện trạng 4 tầng 1 tum, vào thời điểm đầu tháng 6, ông Đỗ Mạnh Quyền đã tổ chức phá dỡ mái tôn tại tầng tum và phá dỡ cầu thang cùng một số bức tường ngăn trong nhà. Ngày 13/6, UBND phường Yên Phụ ra thông báo yêu cầu gia đình ông Quyền giữ nguyên hiện trạng cũ, không được tự ý phá dỡ, cải tạo xây dựng mới khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Nhưng không hiểu lý do gì công trình này vẫn vô tư hoàn thiện các hạng mục trong nhà, bất chấp văn bản đã ban hành.
Không chỉ vậy, thời gian gần đây công trình này còn dựng cột xây tường, lên tầng 5. Hiện công trình đã hoàn thiện cốp pha chờ đổ mái tầng 5. Thông tin với PV, một cán bộ Thanh tra xây dựng phường Yên Phụ cho biết, công trình có quan hệ “khủng” vì có người nhà làm to ở Trung ương.
TP. Hà Nội yêu cầu kiểm điểm chủ tịch phường
Văn bản của UBND phường Yên Phụ gửi ông Đỗ Mạnh Quyền, yêu cầu giữ nguyên nhà cũ, không được tự ý tháo dỡ hoặc tiến hành cải tạo xây mới khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Thế Hùng ký kết luận nội dung công dân tố cáo ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, Tây Hồ thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của ông Lê Quang Hùng, ở số 54 ngách 32/36 An Dương, phường Yên Phụ.
Sự việc xảy ra khi vào tháng 4/2016, ông Lê Quang Hùng phá dỡ, xây dựng mới toàn bộ công trình nhà tại phường Yên Phụ mà không có giấy phép xây dựng, vi phạm quy định của Luật Xây dựng và thuộc trường hợp bị xử phạt trong lĩnh vực xây dựng.
Quá trình ông Hùng thi công xây dựng công trình, UBND phường Yên Phụ nhiều lần kiểm tra, áp dụng nhiều biện pháp xử lý ngăn chặn, lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng không phép, đồng thời ban hành quyết định đình chỉ thi công và quyết định cưỡng chế vi phạm công trình theo quy định.
Vào các ngày 17/6, 27/6 và 5/7/2016, UBND phường Yên Phụ đã tổ chức cưỡng chế và phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. Ông Hùng đã đình chỉ thi công và được UBND phường Yên Phụ cấp lại điện nước.
Nhưng, từ tháng 11/2016 ông Hùng tiếp tục xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. UBND phường Yên Phụ đã áp dụng biện pháp xử lý ngăn chặn như tạm giữ phương tiện thi công, cấm các phương tiện vận chuyển vật liệu và người lao động vào thi công, lập kế hoạch cưỡng chế công trình vi phạm. Quá trình tổ chức cưỡng chế, đại diện khu dân cư và một số hộ dân liền kề có ý kiến đề nghị chính quyền địa phương cho phép công trình được tồn tại với lý do công trình xây dựng không được cấp giấy phép xây dựng vì nằm trong quy hoạch Dự án Sông Hồng đã hơn 20 năm chưa thực hiện... Đến nay, công trình đã hoàn thiện kiên cố nhưng chưa bị xử lý.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, việc không xử lý công trình vi phạm là nguyên nhân dẫn đến việc công dân có đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của ông Lê Quang Hùng. Nội dung tố cáo của công dân là đúng một phần.
Ngoài ra, công dân tố cáo ông Sáng có phát ngôn không phù hợp trong quá trình giải quyết vụ việc. Cụ thể, tại cuộc họp hoà giải do ông Sáng chủ trì, công dân có hỏi: “Với tư cách là người đứng đầu UBND phường, anh trả lời tôi bao giờ xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhà ông Lê Quang Hùng”. Ông Sáng trả lời: “Tôi không có trách nhiệm trả lời chị”. Quá trình xác minh, UBND thành phố kết luận chưa đủ cơ sở để khẳng định nội dung tố cáo đúng hay sai.
UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận Tây Hồ tổ chức kiểm điểm đối với ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, khẩn trương có biện pháp để xử lý dứt điểm công trình vi phạm của ông Lê Quang Hùng theo đúng quy định của pháp luật.
Khi mà TP. Hà Nội yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm ông Sáng chưa ráo mực thì một loạt các công trình xây dựng không phép khác lại mọc lên. Phải chăng lãnh đạo phường này coi thường kỷ cương, coi thường các văn bản mà TP. Hà Nội đã ban hành trước đó về vi phạm trật tự xây dựng để các công trình liên tục xây dựng khi chưa được cấp phép.
Báo Điện tử Congluan.vn tiếp tục thông tin vụ việc này./.
Đắc Nguyên