Vùng lõi của Vườn Quốc gia Cúc Phương chính thức có điện lưới quốc gia
(CLO) Theo thông tin từ Vườn Quốc gia Cúc Phương, lần đầu tiên sau 63 năm kể từ ngày thành lập, Vườn quốc gia Cúc Phương chính thức được cấp điện lưới quốc gia vào trung tâm bản Bống - vùng lõi trung tâm giữa rừng.
Trung tâm Bống nằm giữa rừng già Cúc Phương cũng từng là nơi cư trú lâu đời của nhiều thế hệ người Mường.

Đây là một dấu mốc quan trọng sau 63 năm xây dựng và phát triển, đánh dấu bước ngoặt mới trong hành trình bảo tồn thiên nhiên và phục vụ du lịch sinh thái.
Được biết, cung cấp điện cho các trạm kiểm lâm, khu trung tâm Bống thuộc Dự án thành phần “Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Cúc Phương”. Dự án cung cấp điện đã có chủ trương đầu tư từ năm 2021, đến năm 2023 dự án được phê duyệt thực hiện. Đến nay, hệ thống đường dây với chiều dài 20 km (từ cổng rừng vào trung tâm bản Bống), cùng với trạm biến áp 180 KVA đã hoàn thành việc kết nối, đưa vào vận hành an toàn.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương xúc động: Hơn nửa thế kỷ qua, trong điều kiện thiếu thốn chồng chất, lớp lớp cán bộ kiểm lâm, kỹ sư lâm nghiệp, nhà khoa học và cả những người làm dịch vụ, hậu cần đã sống, làm việc để bảo vệ từng cánh rừng mà không có điện, không có sóng, không có điều kiện tối thiểu cho một cuộc sống bình thường.
Hiện nay, khi điện đã về tới bản Bống, chúng tôi rất xúc động bởi đây không chỉ là thành quả của công nghệ hay sự đầu tư, mà là thành quả của niềm tin, của sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của địa phương, của Tổng cục Lâm nghiệp, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, của biết bao con người thầm lặng góp sức, góp tâm, góp trí.
Sự kiện này còn đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình hiện đại hóa công tác bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương nơi đang là “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á” suốt nhiều năm qua.
Việc đưa vào vận hành Hệ thống cấp điện cho khu trung tâm Bống là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Vườn quốc gia Cúc Phương. Bởi, đối với công tác bảo tồn và nghiên cứu, điện sẽ cung cấp năng lượng cho các thiết bị giám sát hiện đại, áp dụng công nghệ trong hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và nghiên cứu khoa học. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ các loài nguy cấp và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học trong việc khám phá, ghi nhận sự đa dạng sinh học phong phú của Vườn.
Đối với du lịch sinh thái, du khách sẽ có trải nghiệm tốt hơn với các tiện nghi cơ bản được đảm bảo. Điều này góp phần thu hút thêm du khách, tạo nguồn thu bền vững cho công tác bảo tồn và phát triển Vườn.