Vườn quốc gia Cúc Phương - ‘Mái ấm’ của hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú
(CLO) Vườn quốc gia Cúc Phương là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng trên thế giới, 5 năm liền (2019 - 2023) được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Công viên quốc gia hàng đầu châu Á. Nơi đây là “mái ấm" của hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú và vô cùng quý hiếm.
X
Kho báu của Tổ quốc
Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, có tổng diện tích 22.408ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa; trong đó, phần diện tích lớn nhất nằm trên địa bàn huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình với diện tích 11.350ha.

Vườn quốc gia Cúc Phương có tổng diện tích 22.408ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Nơi đây sở hữu hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam. Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.
Không chỉ có sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài thú, 337 loài chim, 80 loài bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài cá.

Nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 3 loài đặc hữu là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và Thằn lằn tai Cúc Phương.
Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.
Chính bởi những đặc trưng tạo nên nét độc đáo không rừng nguyên sinh nào có được, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành điểm đến sinh thái nổi tiếng không thể bỏ qua và đã được vinh danh 5 năm liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2023 trong Giải thưởng Du lịch Thế giới là Công viên Quốc gia hàng đầu châu Á World Travel Awards.
Khẳng định vị thế ở châu lục
Hiện tại, Vườn quốc gia Cúc Phương đang triển khai 3 chương trình bảo tồn gồm: Bảo tồn các loài Linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê; Bảo tồn các loài Rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác.

Chương trình Bảo tồn các loài Linh trưởng nguy cấp.
Ngoài ra, việc phát triển và nhân nuôi thành công các loài động vật có giá trị kinh tế cao sẽ được triển khai nhân rộng mô hình, cung cấp con giống cho người dân vùng đệm trong thời gian tới, qua đó giúp họ phát triển kinh tế và giảm sức ép tới tài nguyên rừng. Những chương trình này được đón nhận rất nhiều sự đầu tư của cộng đồng quốc tế, qua đó khẳng định quyết tâm chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết, các công ước về bảo vệ động vật quý hiếm.
Những năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ, hỗ trợ các loài động vật quý hiếm sinh sản thành công trong điều kiện nuôi nhốt, tái thả về tự nhiên hàng chục nghìn cá thể quý hiếm, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn thiên nhiên, sự đa dạng sinh học trong khu vực.
Tiềm năng phát triển du lịch
Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, kết quả công tác cứu hộ bảo tồn và đội ngũ nhân sự không ngừng được nâng cao trình độ và kỹ năng, Vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn nhất cả nước hiện nay.

Vườn quốc gia Cúc Phương thu hút được nhiều khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm.
Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, lấy việc nâng cao nhận thức về thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái là nền tảng, dựa trên thành quả của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và cứu hộ bảo tồn.
Những năm gần đây Cúc Phương hướng tới nghiên cứu, phát triển và vận hành những sản phẩm sáng tạo, táo bạo và độc đáo, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, như tour thăm động Người Xưa, tour ngắm cây cổ thụ, tour xem chim, xem thú đêm hay tour chinh phục đỉnh cao Mây Bạc - “nóc nhà Cúc Phương”...
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển cùng với bề dày của những thành tựu, Vườn quốc gia Cúc Phương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đó là Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhì; hạng Nhất; danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp, Bằng khen của tỉnh.