Vườn quốc gia Hoàng Liên nhân giống thành công 20.000 cây gỗ quý Hoàng Đàn
(CLO) Sau gần 2 năm thực hiện đề tài khoa học nhân giống loài cây gỗ quý hiếm Hoàng Đàn, Vườn quốc gia Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) vừa nhân giống thành công 20.000 cây gỗ Hoàng Đàn.
Theo các kỹ sư Vườn quốc gia Hoàng Liên, cây gỗ Hoàng đàn (Cupressus torulosa D. Don) thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), là cây gỗ nhỡ, thường xanh, khả năng tái sinh ngoài tự nhiên kém.
Khi trưởng thành cây có chiều cao khoảng 15 - 20m, có đường kính thân đến 0,5m,vỏ cây màu xám nâu, nứt dọc,tán lá rậm rạp, thường có các cành nhỏ sắp xếp thành mặt phẳng.

Kiểm tra cây Hoàng Đàn trong Vườn quốc gia Hoàng Liên chọn làm cây giống gốc (Ảnh Vườn quốc gia Hoàng Liên cung cấp).
Hoàng đàn không chỉ cung cấp loại gỗ quý mà còn cho tinh dầu rất có giá trị, tán lá cây đẹp còn được dùng làm cảnh.
Trong “Sách Đỏ Việt Nam” và “Danh lục đỏ Việt Nam” (2007), Hoàng đàn được xếp vào tình trạng bảo tồn: CR A1a,d (Rất nguy cấp - Critically Endangered).
Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây Hoàng đàn (Cupressus torulosa D. Don) tại Vườn quốc gia Hoàng Liên” do ông Vũ Đức Quyền, Phó Giám đốc vườn làm chủ nhiệm đề tài; thời gian thực hiện từ tháng 11/2022 đến tháng 10/2024.
Đến nay vườn đã nhân giống được 17.000 cây Hoàng đàn bằng hình thức giâm hom, đơn vị đang tiếp tục nhân giống 3.000 cây để đảm bảo hoàn thành kế hoạch 20.000 cây vào tháng 10/2024.
Biên tập tài liệu tập huấn kỹ thuật chọn cây mẹ và nhân giống Hoàng đàn, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Hoàng đàn. Tập huấn kỹ thuật chọn cây mẹ, nhân giống, trồng và chăm sóc Hoàng đàn cho 50 lượt người.
Hoàng đàn là loài cây gỗ quý hiếm ở nước ta, được ghi trong Sách đỏ và cần được bảo tồn. Cây hoàng đàn là cây thân gỗ, cao 15 - 20m, đường kính thân cây khoảng 0.5m. Cây phân thành nhiều cành nhỏ, lá có hình vảy, nhỏ, mọc gần nhau và sát vào cành.
Cây hoàng đàn thường mọc trên núi đá vôi ở vùng núi cao khoảng 300m hoặc trên sườn núi dốc. Là loại cây ưa nước, thường mọc trên đá. Trên thế giới, cây mọc rải rác ở một số nước phía Nam Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal. Ở nước ta, cây này mọc rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Cây hoàng đàn được sử dụng rộng rãi để làm thuốc chữa bệnh cho người và chế tác đồ thủ công mỹ nghệ quý với giá cực đắt.
Phạm Ngọc Triển